Ukraine sẽ ra sao trước bước lùi hỗ trợ vũ khí của phương Tây?

Giới quan sát cho rằng nếu tiếp tục thiếu vũ khí và đạn dược, quân đội Ukraine có nguy cơ bị khóa chân trong thế phòng thủ lâu dài và từ từ phải nhượng bộ như trường hợp gần đây nhất tại Avdiivka.

Ukraine ra sao trước bước lùi hỗ trợ của phương Tây?

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, một loại vũ khí đã lấn át các loại vũ khí khác, đó là pháo. Pháo gây ra 80% thương vong cho hai bên.

Tuy nhiên, sự bế tắc chính trị tại Quốc hội Mỹ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, kết hợp với việc thiếu năng lực sản xuất ở châu Âu, đang dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng về đạn pháo ở Ukraine, có thể khiến những nỗ lực chiến đấu của Kiev đối mặt với thảm họa.

Việc thiếu đạn dược đang được cảm nhận trên khắp tiền tuyến và là một phần nguyên nhân khiến Ukraine gần đây phải rút khỏi thị trấn Avdiivka.

 

Pháo vừa linh hoạt, song cũng vừa có sức tàn phá. Chẳng hạn, lựu pháo M109 của Ukraine về mặt lý thuyết có thể phóng khoảng 240kg chất nổ mạnh trong phạm vi 24km với độ trễ khoảng 3-5 phút. Tùy thuộc vào việc kích hoạt, những quả pháo này có thể xâm chiếm trên không bằng mảnh đạn hoặc chôn xuống đất và đánh sập các công sự. Nó không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn là nỗi ám ảnh tâm lý với các binh lính. Các hệ thống pháo đã gia tăng sức ép lên lực lượng đối phương và buộc họ phải lên kế hoạch để đối phó với mối đe dọa này.

Ukraine hiện nay đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của khoảng 470.000 quân Nga mối ngày nhằm vào các vị trí. Nếu Ukraine có đủ pháo binh, các cuộc tấn công này có thể dễ dàng bị đẩy lùi vì một vài quả pháo cỡ nòng 155 mm sẽ tiêu diệt bên tấn công ngay khi họ bắt đầu tiến lên từ các vị trí được che chắn. Nhưng Ukraine đang phải xoay vòng lực lượng và chỉ bắn 2.000 quả pháo mỗi ngày trên tiền tuyến trài dài gần 1.000km. Nước này chỉ có khoảng 350 khẩu pháo, do đó ở nhiều khu vực không hề có một khẩu pháo nào.

Việc thiếu pháo và đạn dược không chỉ làm giảm khả năng của Ukraine nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga mà còn khiến pháo binh Ukraine dễ bị máy bay không người lái Lancet-3M của Nga tấn công và phản công bằng hỏa lực.

Nga có hơn 4.000 khẩu pháo ở Ukraine và đang bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày trên khắp mặt trận. Vì vậy, khi lựu pháo Ukraine khai hỏa, nó phải tránh xa tầm bắn của pháo Nga, hạn chế phạm vi phòng tuyến có thể bảo vệ, hoặc di chuyển nhanh để tránh bị quân Nga bắn trả tiêu diệt. Việc di chuyển pháo cũng làm giảm số lượng đạn có thể bắn cho một nhiệm vụ nhất định. Ngược lại, Nga có thể di chuyển một khẩu pháo và bắt đầu bắn bằng khẩu pháo khác. Mối đe dọa pháo binh liên tục này khiến các đơn vị của Ukraine gặp nguy hiểm, trong khi lại giúp các lực lượng của Nga có nhiều cơ hội hơn trong việc lập kế hoạch và tập trung các đơn vị chuẩn bị cho tấn công.

Các lực lượng của Ukraine đang cố gắng bù đắp cho sự thiếu thốn nghiêm trọng về trang thiết bị bằng cách sử dụng các chiến thuật mới và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Lợi thế của FPV là chúng có độ chính xác cao và có thể được triển khai để tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Chúng cũng có thể bay từ những vị trí tương đối an toàn. Theo cách này, Ukraine đã gây tổn thất đáng kể cho các phương tiện của Nga.

Tuy nhiên, FPV không thay thế được pháo binh. Nếu đối phương thiết lập hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ thì FPV không thể bay được. Nếu thời tiết xấu, chúng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm mục tiêu. Ngoài ra, do dựa vào pin nên tầm hoạt động của chúng sẽ giảm đáng kể trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Về cơ bản, FPV không đáng tin cậy và không có số lượng đủ lớn để mang lại tác dụng mà pháo binh có thể làm được.

FPV phát huy hiệu quả cao nhất khi được sử dụng phối hợp với pháo binh, với việc pháo binh phá hủy hoặc chế áp các hệ thống tác chiến điện tử nhằm cho phép FPV nhắm chính xác vào các phương tiện của đối phương.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục