Điều kiện tự nhiên huyện Hàm Yên

Hàm Yên là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), phía Nam giáp huyện Yên Sơn, phía Đông giáp huyện Chiêm Hoá, phía Tây giáp huyện Yên Bình, Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 90.092,53 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 11.403 ha, chiếm 12,66%, đất lâm nghiệp có 68.193,67 ha, chiếm 75,69%, diện tích nuôi trồng thuỷ sản có 403,85 ha, chiếm 0,45%, các loại đất khác có 10.092,01 ha, chiếm 11,2%, độ che phủ rừng là 60,03%.

Địa hình Hàm Yên khá phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao và hệ thống sông ngòi, thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Nhìn tổng thể, huyện nằm giữa hai dãy núi lớn. Dãy Cham Chu chạy từ Tự Do (thuộc xã Yên Thuận) tới Bình Xa theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có đỉnh cao nhất là núi Cham Chu (1.587m) và nhiều đỉnh cao từ 831 đến 1.435 m. Dãy núi Phấn cũng chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ Yên Hương (nay là xã Yên Lâm và xã Yên Phú) tới Hùng Đức, có đỉnh cao nhất là núi Phấn (651m) và nhiều đỉnh cao trên dưới 500m. Cả hai dãy núi này đều có hướng dốc xuôi xuống phía sông Lô, tạo cho Hàm Yên có một hình thế như một thung lũng lòng chảo lớn mà đáy của nó là lưu vực sông Lô với những cánh đồng lớn và các soi bãi phù sa dọc hai bên bờ sông Lô, có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 46,7m.

Núi đồi Hàm Yên chủ yếu là núi đất (91,36% diện tích), có thảm thực vật phong phú với nhiều loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, nghiến, lát và các loài thú quý như hươu, nai, hổ, báo, gấu, nhím, tắc kè... Núi đá chiếm khoảng 8,64% diện tích núi đồi, phân bố chủ yếu ở các xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Phù Lưu, Minh Hương, Thái Sơn, Thái Hoà, Yên Phú. Đặc biệt với vị trí thuận lợi cho khai thác, vận chuyển với diện tích lớn và chất lượng tốt, rừng Hàm Yên là vùng nguyên liệu giấy truyền thống của tỉnh Tuyên Quang.

Diện tích đất nông nghiệp của huyện 11.403 ha, chiếm 12,66% tổng diện tích, trong đó chỉ có 3.325 ha lúa nước; bình quân là 1.052m2/người. Các cánh đồng phần lớn nhỏ hẹp, phân tán dọc các triền đồi. Hàm Yên có một số cánh đồng rộng từ 30 đến 70 ha nằm ở các xã: Hùng Đức, Đức Ninh, Thái Sơn, Thái Hoà, Nhân Mục, Yên Phú, Bình Xa, Minh Hương và Phù Lưu. Huyện có 61.039 ha đất đồi, thích hợp với các loại cây công nghiệp (sả, chè), cây ăn quả (cam, quýt, dứa...), cây lương thực (ngô, sắn...).

Hệ thống sông ngòi của huyện khá dầy, tổng chiều dài là 455km. Sông Lô chảy qua địa phận huyện với chiều dài 68,8km từ Hoà Đông (xã Yên Thuận) tới chợ Tổng (xã Đức Ninh), có giá trị lớn về giao thông vận tải, là nguồn nước sinh hoạt của nhân dân ven sông. Hàm Yên còn có 6 con suối lớn là Ngòi Nắc, Ngòi Mục, Ngòi Lù, Ngòi Hẻ, Ngòi Khiêng, Ngòi Hương Lạp, đều bắt nguồn từ núi Phấn và núi Cham Chu và cùng đổ ra sông Lô.

Do độ dốc lớn, khúc khuỷu, nhiều thác ghềnh, thường có lũ lớn vào mùa mưa nên sông suối ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, gây trở ngại lớn trong giao thông.

Khí hậu ở Hàm Yên hình thành hai mùa rõ rệt; mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10; mùa lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,490c, độ ẩm là 87,07%, lượng mưa bình quân là 162,40 mm.

Điều kiện tự nhiên của Hàm Yên đã mang lại cho huyện những lợi thế lớn về nghề rừng, chăn nuôi và trồng trọt. Trong quá trình xây dựng quê hương, các thế mạnh trên đã từng bước được khai thác, phát huy trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện. Với các điều kiện, tiền đề đó, từ điểm xuất phát rất thấp, nền kinh tế của huyện đã đạt tới bước phát triển mới và đi dần vào thế ổn định.