Cuộc đua có thể định đoạt cục diện Thượng viện Mỹ

Khi đảng Dân chủ và Cộng hòa bám đuổi nhau sít sao, quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ có thể sẽ được định đoạt bằng cuộc bỏ phiếu vòng hai ở Georgia.

 

Hơn 3 ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ, Mỹ vẫn chưa xác định được đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện, cơ quan có vai trò quan trọng trong nhánh lập pháp. Đảng Cộng hòa đang dẫn trước với 49 ghế, còn đảng Dân chủ nắm 48 ghế. Ba bang chưa xác định được ứng viên chiến thắng là Nevada, Arizona và Georgia.

Để chiếm thế đa số tại Thượng viện, đảng Cộng hòa cần tối thiểu 51 ghế thượng nghị sĩ, trong khi đảng Dân chủ chỉ cần đạt 50 ghế là giành quyền kiểm soát, nhờ lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện.

Tại Arizona, ứng viên Dân chủ đang dẫn trước với 80% phiếu bầu đã được kiểm. Tại Nevada, ứng viên Cộng hòa lại đang chiếm lợi thế, sau khi 88% phiếu bầu được kiểm. Khi cục diện ở hai bang này dần trở nên rõ ràng, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Georgia, nơi có thể quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện.

Bang Georgia là nơi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đương nhiệm Raphael Warnock và đối thủ Cộng hòa Herschel Walker sẽ đối mặt với với nhau trong cuộc bầu cử vòng hai vào tháng tới.

Tổng thư ký bang Brad Raffensperger hôm 9/11 xác nhận cuộc cạnh tranh ghế Thượng viện ở Georgia sẽ phải bước vào vòng bỏ phiếu bổ sung vào ngày 6/12, do không ứng viên nào nhận được trên 50% phiếu bầu để giành chiến thắng theo quy định của bang.

Ứng viên theo chủ nghĩa tự do Chase Oliver nhận được 2,1% số phiếu bầu, khiến cả Warnock và Walker đều không thể giành hơn 50%, buộc bang phải kích hoạt cuộc bầu cử vòng hai nhằm xác định người chiến thắng.

Thượng nghhị sĩ đảng Dân chủ đương nhiệm bang Georgia Raphael Warnock (trái) và nghị sĩ đảng Cộng hòa Herschel Walker. Ảnh: AP.

Thượng nghhị sĩ đảng Dân chủ đương nhiệm bang Georgia Raphael Warnock (trái) và đối thủ đảng Cộng hòa Herschel Walker. Ảnh: AP.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy hai năm bang Georgia phải tổ chức bỏ phiếu vòng hai để xác định ghế Thượng viện. Trong cuộc bầu cử năm 2020, cả hai cuộc đua vào Thượng viện tại bang này đều phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai.

Warnock và thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Ossoff cuối cùng đánh bại nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa lúc bấy giờ là Kelly Loeffler và David Perdue trong cuộc bầu cử ngày 5/1/2021, giúp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện. Giờ đây, cuộc đua "nước rút" giữa hai ứng viên Warnock và Walker cũng sẽ mang sứ mệnh tương tự.

Georgia và Louisiana là hai bang của Mỹ yêu cầu các ứng viên bước vào vòng bầu cử thứ hai nếu không ai nhận được đa số phiếu. 48 bang còn lại áp dụng quy chế ứng viên đạt số phiếu cao nhất sẽ giành chiến thắng, ngay cả khi không vượt ngưỡng 50%.

Quy định này được nghị viện bang Georgia phê duyệt vào năm 1964. Năm 1980, một số nghị sĩ bang đề xuất luật mới nhằm bãi bỏ quy chế trên và thay bằng cách bỏ phiếu như đa số các bang khác, song không được thông qua.

Năm 1990, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện quy định này của Georgia, đánh dấu thách thức pháp lý đầu tiên với hệ thống bầu cử của bang theo Đạo luật Quyền Bầu cử. John Dunne, trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ khi đó, cho rằng quy định này của Georgia đã "ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng người da màu trở thành ứng viên cho các vị trí trong cơ quan công quyền".

Những người chỉ trích cho rằng các ứng viên da màu giành được nhiều phiếu hơn trong vòng bầu cử đầu tiên thường sẽ thua đối thủ da trắng trong vòng "nước rút". Trong đơn kiện khi đó, Dunne lưu ý rằng 35 ứng viên da màu đã thất bại trong các cuộc bầu cử cấp hạt khi họ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai.

Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất với quy định này là nghị sĩ Cộng hòa Denmark Groover, người từng nói rằng nó được tạo ra nhằm "ngăn lá phiếu từ những người da màu định đoạt các cuộc bầu cử".

Trong đơn kiện của mình, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng quy định trên đã được thông qua và duy trì vì "mục đích phân biệt chủng tộc", nhấn mạnh nó bác bỏ quyền của những công dân da màu được có cơ hội bình đẳng khi tham gia vào các quy trình chính trị và bầu chọn những ứng viên họ muốn. Dù vậy, Bộ Tư pháp Mỹ đã không thành công trong vụ kiện.

Thời điểm đó, Georgia là một trong 9 bang miền Nam áp dụng yêu cầu số phiếu quá bán, cùng với Alabama, Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi, Oklahoma, Nam Carolina và Texas. Theo thống kê của giới chức Mỹ, quy định này tới nay vẫn được áp dụng phổ biến trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở các bang trên.

Năm ngoái, nghị viện bang Georgia đã thông qua luật bỏ phiếu mới, cùng một số thay đổi khác, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa vòng bầu cử thứ nhất và thứ hai từ 9 tuần xuống còn 28 ngày.

Cuộc đua tại Georgia đang rất được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa quan tâm. Chiến dịch của ứng viên Cộng hòa Walker đã quyên được 4,3 triệu USD trong ngày đầu chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử vòng hai.

Kiểm soát Thượng viện là điều rất quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden, lợi thế đã giúp ông thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ cùng các đạo luật về biến đổi khí hậu, thuế quan cũng như chăm sóc sức khỏe trong hai năm đầu nhiệm kỳ.

Với hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và quyền kiểm soát Hạ viện đang có xu hướng thuộc về phe Cộng hòa, việc đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các chương trình nghị sự của ông Biden.

Tổng thống Mỹ hôm 9/11 cam kết sẽ hợp tác với tất cả các bên dù kết quả cuối cùng ra sao. "Tôi sẵn sàng làm việc với các đồng nghiệp đảng Cộng hòa", ông nói. "Tôi nghĩ người dân Mỹ cũng đã thể hiện rõ rằng họ cũng mong đợi đảng Cộng hòa sẵn sàng hợp tác cùng tôi".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục