Biden khó lôi kéo đồng minh châu Âu 'đấu' Nga - Trung

Châu Âu hoan nghênh cam kết khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương của Biden, nhưng muốn mối quan hệ cân bằng, ít đối đầu hơn với Nga, Trung.

 

Hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai đề cập đến tầm quan trọng của việc đối thoại với Moskva, nhấn mạnh Nga là một phần thuộc châu Âu và không thể bị xa lánh, đồng thời châu Âu phải đủ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Ngày 30/12/2020, vài tuần trước khi Biden nắm quyền, Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc, sau khi Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, đăng dòng tweet kêu gọi "tham vấn sớm" với châu Âu về vấn đề Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc phỏng vấn của CNN ngày 16/2. Ảnh: AFP.
 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc phỏng vấn của CNN ngày 16/2. Ảnh: AFP.

Rõ ràng, ngay cả khi Mỹ trở lại trường quốc tế dưới sự lãnh đạo mới tại Nhà Trắng, châu Âu vẫn có lộ trình của riêng mình trước Nga và Trung Quốc, ở đó họ không nhất thiết phải tuân theo những mục tiêu mà Biden đặt ra. Điều này tạo ra thách thức lớn cho tân Tổng thống Mỹ trong bối cảnh ông đang tìm cách khôi phục mối quan hệ liên minh với châu Âu.

Biden ngày 19/2 sẽ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao từ châu Âu và Mỹ. Đây là sự kiện mà ông đã tham dự suốt nhiều năm qua, giúp củng cố danh tiếng của ông như một người đấu tranh cần mẫn vì mối đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

Phát biểu tại hội nghị hai năm trước, Biden đã than thở về những thiệt hại mà chính quyền Trump gây ra đối với mối quan hệ vốn rất vững chắc giữa Mỹ và châu Âu.

"Mọi chuyện rồi sẽ qua. Chúng ta sẽ trở lại", ông nói, đồng thời hứa hẹn Mỹ sẽ một lần nữa "gánh vác trách nhiệm lãnh đạo".

Phát biểu sắp tới của Tổng thống Biden tại hội nghị được cho là sẽ lặp lại lời hứa trên và nhấn mạnh lời kêu gọi lâu nay ông vẫn đưa ra về một mặt trận phương Tây thống nhất hơn chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Những phát biểu của ông chắc chắn sẽ được các lãnh đạo châu Âu đón nhận. Tuy nhiên, nếu "trách nhiệm lãnh đạo" mà Biden đề cập tới đồng nghĩa với việc quay lại quan điểm truyền thống của Mỹ rằng "tôi ra lệnh, các anh làm theo" thì nhiều người châu Âu giờ đây sẽ cảm thấy rằng thế giới đó đã không còn và rằng châu Âu không nên hành xử giống như một đàn em chỉ biết tham gia vào những cuộc đối đầu do Washington xác định.

Theo giới quan sát, châu Âu hiện có những lợi ích và ý tưởng riêng về cách quản lý mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Thực tế này càng làm phức tạp thêm nỗ lực ngoại giao của Biden nhằm lôi kéo châu Âu tham gia cuộc đấu với Moskva và Bắc Kinh.

"Biden đang báo hiệu một cách tiếp cận cực kỳ cứng rắn với Nga và Trung Quốc", Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét, cho rằng Mỹ sẽ "xác định một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu mới" chống lại hai đối thủ này.

Theo ông, cách tiếp cận của Biden đang khiến không ít lãnh đạo châu Âu lo âu. Và các chuyên gia khu vực khác cho biết họ nhìn thấy rất ít dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ nhiệt tình với mục tiêu mà Mỹ đề ra như những gì giới chức ở Washington kỳ vọng.

Tổng thống Biden đã nhanh chóng thực hiện các bước đi nhằm hướng tới hòa giải và đoàn kết với châu Âu, như tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, đề cao chủ nghĩa đa phương và nhân quyền cũng như tuyên bố tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Dù vậy, việc liên kết với châu Âu để chống lại Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ khó khăn hơn gấp bội.

Trung Quốc có thể là đối thủ ngang hàng của Mỹ, nhưng lại là đối tác thương mại quan trọng với châu Âu. Các lãnh đạo châu Âu cũng coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống, nhưng đồng thời còn là đối tác và Trung Quốc hầu như không bị nhìn nhận như kẻ thù.

Nga vẫn là một nước láng giềng không gần gũi với châu Âu nhưng lại sở hữu vũ khí hạt nhân và họ cũng có những đòn bẩy của riêng mình.

Anh, đối tác ngoại giao đáng tin cậy nhất của Mỹ, đã rời EU và phối hợp kém hiệu quả hơn về chính sách đối ngoại với các đồng minh châu Âu.

Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Nicholas Burns, đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời tổng thống George W. Bush, cho rằng khi vai trò hỗ trợ của Anh giảm sút, mối gắn kết của Mỹ với châu Âu cả ngoại giao lẫn chiến lược sẽ không còn như trước.

Hội nghị an ninh sắp tới không do chính phủ Đức điều phối, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ phát biểu cùng Tổng thống Biden, Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Bản thân Đức cũng đã cho thấy một số vấn đề mà chính quyền Biden sẽ gặp phải trong nỗ lực đoàn kết châu Âu đối đầu với Nga.

Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Merkel đã chọn Armin Laschet là lãnh đạo mới. Ông nhiều khả năng sẽ là người kế nhiệm bà trong cuộc bầu cử vào mùa thu tới đây.

Laschet có thiện cảm hơn về Nga và Trung Quốc so với Biden. Ông từng bày tỏ hoài nghi về mức độ của các hoạt động gây nhiễu thông tin chính trị và tấn công mạng do Nga thực hiện. Laschet còn công khai chỉ trích "chủ nghĩa dân túy chống Putin mang tính thị trường". Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ nền kinh tế hướng xuất khẩu vốn phụ thuộc sâu vào Trung Quốc.

Berlin vẫn có kế hoạch đưa vào vận hành Nord Stream 2, một đường ống huyết mạch dẫn khí đốt tự nhiên dài 1.200 km chạy xuyên biển Baltin từ phía bắc Nga tới Đức. Các đường ống được ghép nối thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Gazprom, Nga. Dự án phải ngừng hoạt động vào năm ngoái dù 94% số đường ống đã được lắp đặt sau khi Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với lý do nó gây thiệt hại cho Ukraine và khiến Nga có khả năng thao túng nguồn cung năng lượng của châu Âu.

Nhiều chính trị gia Đức muốn hoàn thành dự án, nhưng hôm 16/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nêu rõ rằng Tổng thống Biden coi nó là "một thỏa thuận tồi tệ" khiến châu Âu bị chia rẽ và khiến Berlin dễ bị Moskva tác động.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các tàu Nga đã tiếp tục đặt đường ống. Thủ tướng Merkel nói rằng Nord Stream 2 chỉ là dự án kinh doanh bình thường, không mang ý nghĩa địa chính trị.

Tại Pháp, Tổng thống Macron lâu nay vẫn tìm cách thiết lập các cuộc đối thoại tích cực hơn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song nỗ lực của ông nhằm "làm mới" mối quan hệ chưa đi đến đâu.

Về thỏa thuận đầu tư ký với Bắc Kinh sau 7 năm đàm phán khó khăn, các quan chức châu Âu giải thích rằng nó chỉ là một nỗ lực nhằm đạt được quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty của họ ngang bằng với mức độ tiếp cận mà những công ty Mỹ đã nhận được thông qua thỏa thuận của tổng thống Trump với Trung Quốc hồi năm ngoái.

Joe Biden (trái) bắt tay Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Moskva, Nga, hồi tháng 3/2011. Ảnh: Reuters.

Joe Biden (trái) bắt tay Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Moskva, Nga, hồi tháng 3/2011. Ảnh: Reuters.

"Không có lý do gì chúng tôi phải chịu đựng một sân chơi không cân bằng", Sabine Weyand, tổng giám đốc thương mại EU, nói trong một diễn đàn trực tuyến hồi đầu tháng. "Tại sao chúng ta phải ngồi yên".

Theo Weyand, thỏa thuận trên đặt ra những tiêu chuẩn cao cho các hoạt động thương mại của Trung Quốc và điều này cuối cùng sẽ đưa Mỹ và châu Âu "vào một vị thế mạnh mẽ hơn để cùng nhau có một chính sách quyết đoán hơn trước Trung Quốc".

Thỏa thuận cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, nhưng cuộc biểu quyết khó có khả năng diễn ra cho tới cuối năm nay. Và một lần nữa, các quan chức chính quyền Biden dường như sẵn sàng "nhắm mắt làm ngơ" với thỏa thuận này, vì tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với châu Âu trước Trung Quốc.

"Thỏa thuận đó có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đối với Trung Quốc", Wendy Cutler, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, bình luận. "Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ triệt tiêu mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục