Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Cần coi vaccine là tài sản chung

Quốc tế cần hợp tác triển khai chiến lược tiêm chủng, bảo đảm tiếp cận vaccine với tất cả các nước, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

 

Cộng đồng quốc tế cần hợp tác triển khai chiến lược ứng phó đại dịch và tiêm chủng hiệu quả, coi vaccine là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận vaccine với giá cả phù hợp cho tất cả các nước và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao và tuyến đầu chống dịch, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết khi tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/2.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trong phiên thảo luận hôm 17/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trong phiên thảo luận hôm 17/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Cuộc họp có sự tham gia của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng quốc đảo Saint Vincent và Grenadines, ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico, Na Uy, đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX) để có thể phân phối vaccine tới các quốc gia đang phát triển và người dân trong khu vực xung đột. Ông cũng đề nghị Hội đồng Bảo an tăng cường thực hiện Nghị quyết 2532, coi đây là điều kiện tiên quyết cho Liên Hợp Quốc và các bên liên quan phân phối vaccine vì mục đích nhân đạo.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đoàn kết và tăng cường hợp tác đa phương để điều phối hiệu quả các nỗ lực chung phòng chống dịch, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung cùng các nước vượt qua đại dịch.

Các nước nhấn mạnh phổ cập vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả có vai trò quan trọng trong hạn chế lây lan đại dịch và những tổn thất về kinh tế, sức khỏe, giáo dục, kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo không ai bị bỏ lại trong chiến dịch tiêm chủng.

Nghị quyết 2532 được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 1/7/2020 với 15/15 phiếu thuận, nội dung chính là kêu gọi ngừng bắn tại tất cả các quốc gia trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhằm tạo điều kiện ứng phó nhân đạo với đại dịch Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai phiên bản vaccine Covid-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển, "bật đèn xanh cho việc triển khai trên toàn thế giới các loại vaccine này" thông qua cơ chế COVAX.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục