Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định một trong ba đột phá chiến lược đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Có thể khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội nước ta nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nói riêng một cách bền vững.

Với số dân trên 12 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số cả nước, nhưng các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lại sống trên một địa bàn rộng lớn vùng biên giới, miền núi có chiều dài 3.200 km, chiếm 2/3 diện tích cả nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh biên giới và quốc phòng. Địa bàn sinh sống của đồng bào có nhiều tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai, rừng, nguồn nước... Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản và du lịch. Nhưng nơi đây lại là khu vực có chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước và có số lượng lao động chất lượng cao rất ít.

Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư cho kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đã cải thiện đáng kể diện mạo vùng DTTS&MN về nhiều mặt. Tuy nhiên, kết quả chung, nhất là việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực DTTS&MN còn chưa bền vững và không đồng đều giữa các vùng, các nhóm dân cư; chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhất là nguồn nhân lực nữ bởi vì tỷ lệ nữ chiếm hơn nửa dân cư.

Vậy chìa khóa nào để mở cánh cửa phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN tương xứng với tiềm năng? Vấn đề này đã được đưa ra trong nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, cấp vùng và khu vực. Gần đây nhất, ngày 14-8-2012, Ủy ban Dân tộc, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Chính sách về phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN” nhằm tìm ra các giải pháp, phương pháp tiếp cận tốt nhất cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tại diễn đàn này, đồng chí K’Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã nêu: “Vấn đề then chốt chính là năng lực nội sinh của vùng DTTS&MN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế thị trường, trong đó gốc rễ là do giáo dục và đào tạo lao động ở các vùng này còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với mức trung bình của các huyện và các tỉnh”. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng DTTS&MN đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ.

Cũng như phụ nữ cả nước, chị em phụ nữ vùng DTTS&MN mang trong mình những phẩm chất thiên phú: cần cù, khéo léo, tình cảm, sâu sắc, giàu đức hy sinh... Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ nói chung, trong đó có  phụ nữ các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp không nhỏ, họ luôn xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã khen tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Với những phẩm chất ưu việt, chị em phụ nữ đã và đang đảm nhiệm một số công việc gia đình và xã hội mà nam giới khó có thể đảm trách. Trong gia đình, người phụ nữ có vai trò rất lớn trong định hướng về nhân cách, lối sống, tình cảm cho con cái. Đặc biệt, ở một số tộc người theo chế độ mẫu hệ (Ê đê, Mnông, Chăm…), vai trò, tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng càng được coi trọng, như người xưa đã đúc kết: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ về trình độ học vấn, nhận thức xã hội, trình độ nghề nghiệp, kiến thức trong lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái chính là chúng ta đang nâng cao chất lượng sống của mỗi một gia đình, rộng hơn là của cộng đồng và toàn thể xã hội.

Đánh giá đúng vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, ngay từ Cương lĩnh chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng Cộng sản Việt đã xác định “Nam nữ bình quyền” là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm về nhiều mặt.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, các đạo luật và pháp lệnh do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có những quy định bảo đảm về mặt pháp lý việc thực hiện và được hưởng các quyền con người của phụ nữ với tư cách là công dân bình đẳng về mọi mặt với nam giới. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền núi ngày 19-3-1964, Bác đã căn dặn: “Đảng uỷ các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: “Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu cần phải tăng cường “Chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa xóa mù chữ, phổ cập các cấp học giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa…”, tạo cho chị em cơ hội “được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình”.

Từ trước đến nay, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thể hiện nhất quán trong Nghị quyết đại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Các tầng lớp phụ nữ, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Chị em phụ nữ vùng DTTS&MN đã có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận kiến thức về pháp luật, bình đẳng giới, sinh sản và sức khỏe gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái, hưởng thụ văn hóa; ngày càng nhiều chị em phụ nữ vùng DTTS được học tập, nâng cao trình độ; những tấm gương điển hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình ngày càng được nhân rộng… Đó là những dấu hiệu chuyển biến tích cực về chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN.

Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN, nhất là nguồn nhân lực nữ còn một khoảng cách rất xa so với miền xuôi; tỷ lệ nguồn nhân lực đã qua đào tạo là rất thấp và chưa được sử dụng hiệu quả… Nhìn chung, nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN còn rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan của yếu kém trên:

- Cơ sở hạ tầng còn khó khăn, địa hình bị chia cắt, thiên tai thường xuyên xảy ra là những vật cản không nhỏ cho việc phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, nhất là đối với nữ.

- Phong tục tập quán lạc hậu đã để lại nhiều hệ lụy đối với nguồn nhân lực nữ ở vùng DTTS&MN (tảo hôn, sinh đẻ nhiều, đẻ dày…) khiến nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN khó có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ít có thời gian để học tập, nâng cao trình độ.

- Tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi nhẹ năng lực của phụ nữ, thiếu tin tưởng phụ nữ… không chỉ cản trở trẻ em gái tiếp cận giáo dục ở bậc cao mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực nữ, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển của không ít chị em vùng DTTS&MN.

- Tâm lý tự ty, mặc cảm, hoặc đức tính nhường nhịn, hy sinh, thậm chí cam chịu… cũng chính là những vật cản vô hình đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN.

- Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị vùng DTTS&MN về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Ðảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ.

- Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình còn nhiều bất cập. Việc triển khai học tập nâng cao kiến thức, trình độ cho chị em còn chưa phù hợp, chưa hiệu quả, nặng hình thức.

- Năng lực tham mưu của hội phụ nữ các cấp đối với Ðảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn rất hạn chế.

Những nguyên nhân nêu trên chính là những lực cản đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN. Để vượt qua những lực cản này, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhất là của chính bản thân người phụ nữ. Cụ thể:

- Phải thực hiện nghiêm chỉnh và tích cực Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan tâm và ưu đãi phụ nữ các dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu vùng xa, có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ. Như vậy, không chỉ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vùng khó khăn, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng xã hội và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, dân tộc.

- Có chính sách ưu tiên và thực hiện nghiêm các văn bản luật pháp, chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong giáo dục và đào tạo, tiếp cận kiến thức về sinh hoạt,  lao động, sản xuất…

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để nam giới và xã hội nhận thức được việc đầu tư giáo dục cho phụ nữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng DTTS&MN có tầm có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỗi gia đình, cộng đồng và quốc gia.

- Xoá bỏ tâm lý mặc cảm, tự ty của chị em, đồng thời chị em cần có ý thức vươn lên, không cam chịu, thụ động, ỷ lại để hoàn thiện chính bản thân mình, có đóng góp tích cực trong tạo dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, phồn vinh, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục