Iran không kích Israel có gì tương đồng với chiến trường Ukraine?

Cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel cho thấy Tehran đã rút ra bài học quan trọng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và áp dụng chiến lược áp đảo hệ thống phòng không đối phương bằng một cuộc tấn công nhiều lớp.

Đối với Ukraine và những nước ủng hộ Kiev, cuộc tấn công của Iran vào Israel chứng tỏ có mối liên hệ giữa Moscow và Tehran. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/4 đã lên án vụ tấn công của Iran và việc Tehran sử dụng máy bay không người lái Shahed.

“Ở Ukraine, chúng tôi biết rất rõ sự khủng khiếp của các cuộc tấn công tương tự do Nga tiến hành. Moscow sử dụng máy bay không người lái Shahed và tên lửa của Nga. Đó là chiến thuật tấn công hàng loạt”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, Nga đã triển khai UAV do Iran sản xuất để tấn công Ukraine trong hơn một năm rưỡi và sự hợp tác giữa Tehran và Moscow đã giúp cải thiện đáng kể thiết kế của máy bay không người lái cũng như khả năng của chúng.

 

“Giống như cách chúng ta đang tìm hiểu về hiệu quả của vũ khí trên chiến trường sau khi cung cấp chúng cho Ukraine, Iran cũng đang tìm hiểu chiến lược nào có hiệu quả và chiến lược nào không hiệu quả đối với loại UAV của họ đã được sử dụng ở Ukraine”, ông Luke Coffey, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson cho biết.

Iran đang học hỏi chiến thuật của Nga

Ông Coffey cho hay Iran đã thực hiện nhiều chỉnh sửa đối với các mẫu UAV của họ, từ việc ngụy trang tốt hơn đến nâng cấp động cơ giúp chúng bay nhanh hơn và linh hoạt hơn.

“Không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật mà còn cả chiến thuật và quy trình, Iran đã rút ra bài học từ các cuộc tập kích của Nga ở Ukraine. Cuộc không kích của Iran rất giống với những gì chúng ta đã thấy ở Ukraine. Họ sử dụng một loạt loại vũ khí khác nhau trên không, từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Chúng được phóng theo đợt hoặc theo cách mà sự ồ ạt của chúng làm áp đảo phòng không đối phương”, ông Coffey nói.

Iran cho biết nước này phát động cuộc tấn công vào Israel để trả đũa vụ đánh bom ngày 1/4 vào khu phức hợp Đại sứ quán nước này ở Syria, khiến nhiều người thiệt mạng trong đó có cả các chỉ huy quân sự cấp cao.

Israel, phối hợp với Mỹ, Jordan và các đồng minh khác, đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Iran hôm 13/3.

Quân đội Israel cho biết Iran đã phóng khoảng 170 máy bay không người lái, 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình và 99% số vật thể đã bị bắn hạ.

“Những gì Iran đã làm là phóng UAV trước rồi đến tên lửa, đây cũng là chiến thuật mà Nga đang làm ở Ukraine. Có một mối liên hệ giữa Tehran và Moscow”, ông Sina Azodi, học giả thỉnh giảng và là giảng viên chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, cho biết.

Phép thử của Iran

Theo ông Azodi, từ góc độ ngắn hạn, có thể nói đây là một thất bại đối với Iran hoặc họ đã không thành công, nhưng suy cho cùng, họ cũng đang theo dõi, họ đã thấy UAV hoặc tên lửa của họ bị bắn hạ như thế nào để rút ra bài học và cải thiện mọi thứ.

“Họ cũng đã thử nghiệm điều gì sẽ xảy ra trong một cuộc xung đột tiềm ẩn. Mỹ, Jordan và những nước khác sẽ làm gì? Họ cũng đã kiểm tra khả năng phòng thủ tên lửa của Israel. Họ đang ghi chép. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ nỗ lực cải thiện những hệ thống vũ khí hiện có. Đây cũng là những gì người Nga đang làm”, ông Azodi nói thêm.

Trong một phân tích, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ cho biết mặc dù Iran có thể đoán trước rằng Israel sẽ có hệ thống phòng không mạnh hơn so với Ukraine, nhưng Tehran có thể đã rất ngạc nhiên trước thành công chung của Israel.

“Lực lượng phòng không Ukraine có tỷ lệ đánh chặn khoảng 46% tên lửa đạn đạo của Nga trong các cuộc tấn công lớn gần đây. Iran có thể dự đoán rằng tỷ lệ đánh chặn của Israel sẽ cao hơn Ukraine nhưng không vượt 90% trước loạt tên lửa đạn đạo lớn như vậy. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, Nga chưa bao giờ phóng nhiều tên lửa đạn đạo cỡ lớn như vậy trong một cuộc tấn công vào Ukraine”, ISW nhận định.

Khả năng phòng thủ thành công của Israel được cho là được xây dựng dựa trên nhiều năm chuẩn bị và huấn luyện, cũng như mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia vùng Vịnh nhờ Hiệp định Abraham.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của Iran vẫn là một thách thức đáng kể. Thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu Yaacov Ayish, hiện là Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề Israel tại Viện Do Thái vì An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran đang cố gắng “áp đảo và bão hòa” mạng lưới phòng không của Israel cũng như của Mỹ và các nước đối tác của họ trong khu vực.

Theo ông Ayish, sự kết hợp giữa UAV và tên lửa hành trình có tác dụng “kéo căng năng lực tình báo và phát hiện của các lớp phòng thủ khác nhau.

“Chắc chắn họ [Iran] đã biết về những khả năng đó và đang cố gắng áp đảo chúng”, ông Ayish nói thêm.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục