Tình cảm của Bác với thương binh, liệt sỹ và gia đình có công với đất nước

Để đồng bào cả nước “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”, Bác đồng ý chọn ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh. Vào những dịp này, Bác Hồ đều gửi thư kèm theo một tháng lương của mình, ngoài ra, khi thì một bữa ăn của Người, khi thì một món quà (do đồng bào, đồng chí gửi biếu) đến anh chị em thương binh, các gia đình liệt sĩ; đồng thời nhắc nhở trách nhiệm, động viên và biểu dương những địa phương, cơ quan, đơn vị và các cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ. Mục đích của Bác là: “…thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến”.
Trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thế hệ thanh niên đã lên đường, chung sức, đồng lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sự hy sinh của những thế hệ đi trước không gì có thể bù đắp được. Tổ quốc không chỉ ghi công họ mà còn phải có chính sách cụ thể chăm lo cuộc sống của họ. Là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu những mất mát lớn lao này và Bác luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Sự quan tâm này được thể hiện sinh động bằng những hoạt động hết sức thiết thực, phù hợp với đạo lý truyền thống nhân văn “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng.  

Ngày 10-3-1946, Báo Cứu quốc đăng thư của Người gửi đồng bào Nam Bộ, trong đó có viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Chiều ngày 11-7-1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”, Bác đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.  

Tháng 12-1946, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đời sống của bộ đội gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Số chiến sĩ bị thương, hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng. Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác Thương binh - Liệt sĩ, nhằm góp phần bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của các chiến sĩ và gia đình chính sách, tiếp tục động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Ngày 16-2-1947, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. 

Nhân cuộc mít tinh quan trọng ngày 27-7-1947 tại Đại Từ, Thái Nguyên, Bác Hồ đã gửi thư và gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của mình trong Phủ Chủ tịch đến ban tổ chức để gửi tặng chiến sĩ và thương, bệnh binh. Để đồng bào cả nước “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”, Bác đồng ý chọn ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh Vào những dịp này, Bác Hồ đều gửi thư kèm theo một tháng lương của mình, ngoài ra, khi thì một bữa ăn của Người, khi thì một món quà (do đồng bào, đồng chí gửi biếu) đến anh chị em thương binh, các gia đình liệt sĩ; đồng thời nhắc nhở trách nhiệm, động viên và biểu dương những địa phương, cơ quan, đơn vị và các cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ. Mục đích của Bác là: “…thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến”(1). Bên cạnh đó, Bác thường xuyên chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc thương binh, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ với phương châm: “đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”. 

Trong lời kêu gọi nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ  27-7-1948, Bác khẳng định: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...” (2). Song những hy sinh, mất mát đó không uổng phí: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” (3). Cho nên, đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại.  

Tháng 7-1951, Bác phát động phong trào “đón thương binh về làng” với những nội dung cụ thể, rõ ràng, thiết thực: “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tuỳ theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh, nhưng giúp bằng cách này:
1. Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới để giúp thương binh.
2. Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi để nuôi thương binh.
3. Tuỳ theo số ruộng đất trích được, mượn hoặc khai khẩn được, mà đón nhiều người hoặc ít người thương binh về xã... Kế hoạch tỉ mỉ sẽ do Chính phủ cùng Mặt trận Liên Việt định sau. Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tôi tin chắc rằng công việc đón anh em thương binh về làng sẽ có kết quả tối đẹp”(4).    

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta giành thắng lợi, từ “Thủ đô gió ngàn” trở về Hà Nội, việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ Thủ đô để tượng niệm các anh hùng liệt sĩ đã quyết tâm bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946 và trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đứng trước anh linh những anh hùng liệt sĩ, Bác nghẹn ngào trong bài phát biểu: “Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ... Một nén hương thanh. Vài lời an ủi” (5).  

Bác Hồ không chỉ quan tâm hết lòng đối với những người có công với Tổ quốc mà còn luôn khuyên anh em thương binh quyết tâm vượt qua bệnh tật, phấn đấu vươn lên thành những người “tàn nhưng không phế”; “Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí” (6). Đồng thời, Bác chỉ ra những công việc thật cụ thể, phù hợp để “anh em thương binh sẽ tuỳ sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng…”.  

Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”, 65 năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sĩ cùng thân nhân của họ. Chính sách Thương binh - Liệt sĩ đã phát triển thành hai Pháp lệnh: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Ngày 28-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đây là cơ sở để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục thực hiện tốt công tác chính sách, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” với những việc làm hiệu quả, thiết thực như: xây “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Ao cá tình nghĩa”, quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, quỹ “Chất độc da cam”… Các phong trào này phát triển ngày càng sâu rộng, mang tính xã hội hoá cao, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống cho các thương, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân tích cực tham gia các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ, nhằm đạt mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn” (7).  

Cùng với sự sẻ chia của toàn xã hội, các anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế” đã tiếp tục phát huy truyền thống, khả năng của mình, ra sức lao động góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội, phấn đấu vươn lên, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, những “gia đình cách mạng gương mẫu” như mong muốn của Bác Hồ. Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều lĩnh vực xã hội, trở thành những nhà khoa học xuất sắc, những doanh nhân giỏi… Một số đồng chí đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Nhiều thương, bệnh binh luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tiếp tục cùng toàn dân tộc phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, sánh với với các cường quốc lớn trên thế giới như sinh thời Bác hằng mong.  

Các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội trên địa bàn, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống ân nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

----------------
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H. 2002, tập 4, tr.435.
2. Sách đã dẫn tập 5, tr.466.
3. Sđd, tập 10, tr.3.
4. Sđd, tập 6, tr.261.
5. Sđd, tập 7, tr.427.
6. Sđd, tập 5, tr.471.
7. Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, NXBCT-HC, H.2011, tr.122.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục