Khủng hoảng cung vượt cầu, Australia cắt bỏ hàng triệu cây nho

Ngành công nghiệp rượu vang của Australia đang đứng trước nhiều thách thức. Những nông dân trồng nho tại nước này đang phải nhổ bỏ hàng triệu cây nho để đối phó với tình trạng dư cung nghiêm trọng dẫn đến giá nho giảm mạnh thời gian qua.

Ngoài giải quyết thuế quan với Trung Quốc để tăng thương mại, Australia cũng đang tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng sinh lời khác khi các vườn nho ở nước này chật vật tồn tại trong bối cảnh dư thừa rượu vang.

James Cremasco, một người trồng nho thế hệ thứ tư, bần thần khi tận mắt chứng kiến những cây nho của gia đình mình, do ông nội trồng ở thị trấn Griffith phía đông nam Australia, bị nhổ bỏ. Cremasco cho biết một số loại nho đỏ trong vườn của ông hiện chỉ được bán với giá hơn 100 USD một tấn, trong khi trước đây ông có thể kiếm được tới 600 USD mỗi tấn nho, hơn nữa các nhà máy rượu vang cũng thường từ chối mua nhiều hơn số lượng nhất định. 

“Chúng tôi đang nhổ bỏ những cây nho này. Chẳng có lợi gì khi tiếp tục trồng loại cây mà không mang lại lời lãi gì”.

 

Việc buộc phải nhổ bỏ những cây nho để hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa như vườn nho của gia đình Cremasco không phải trường hợp duy nhất.

Chủ một vườn nho thế hệ thứ 2 và cũng là một nhà sản xuất rượu vang, ông Bill Cababria cho biết: “Đây là một trong những điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến trong một thời gian dài, không chỉ ở Riverina, tình trạng này lan rộng khắp cả nước và nhiều nơi khác trên thế giới, đặt ra nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất rượu vang. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng mọi thứ sẽ được cải thiện và chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách để có thể tồn tại. Tôi cảm thông với những người trồng nho, họ đang rất khó khăn vào lúc này.”

Giá nho rượu vang đỏ ở những khu vực như Griffith đã giảm mạnh xuống mức trung bình 304 đôla Australia (200 USD) mỗi tấn, giảm đáng kể so với 659 USD Australia vào năm 2020. 

Theo Jeremy Cass, người đứng đầu Riverina Winegrape Growers, để khôi phục lại sự cân bằng cho thị trường và cải thiện giá cả, có tới một phần tư số cây nho ở Griffith phải được loại bỏ. Điều này sẽ kéo theo sự phá hủy của hơn 20 triệu cây nho trên 12.000 ha, chiếm khoảng 8% tổng diện tích vườn nho của Autralia. Người trồng ở các khu vực khác cũng đang thu hẹp diện tích trồng nho. 

Nhà phân tích rượu vang Tim Mableson của KPMG tin rằng trên toàn quốc, khoảng 20.000 ha cây nho cần phải bị nhổ bỏ. Mặc dù Trung Quốc- nước mua rượu vang của Australia nhiều nhất thế giới- dự kiến sẽ cho phép nhập khẩu trở lại trong tháng này nhưng theo giới phân tích, điều đó chưa chắc giải quyết được tình trạng dư thừa hiện nay. 

Các nhà sản xuất rượu vang Australia đang phải đối mặt với con đường phục hồi chậm chạp, sau khi mất gần như toàn bộ thị phần tại Trung Quốc vào tay các đối thủ từ Chile, Argentina, Nam Phi và châu Âu. Nhiều nhà sản xuất rượu vang Australia cho biết họ đang xem Ấn Độ như một lựa chọn thay thế tiềm năng sinh lợi thay cho thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Tình trạng dư cung không phải là duy nhất ở Australia; các quốc gia sản xuất rượu vang lớn khác như Chile, Pháp và Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Tuy nhiên, không giống như châu Âu, nông dân Australia không nhận được hỗ trợ tài chính cho việc loại bỏ cây nho hoặc xử lý rượu vang dư thừa. Chính phủ Australia dự báo giá nho làm rượu vang sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong năm nay.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục