Gìn giữ nét đẹp văn hoá trong các lễ hội

Tỉnh ta hiện có hàng chục lễ hội lớn nhỏ trải khắp các huyện, thị xã và thôn bản như: Lễ hội đua thuyền trên sông Lô, lễ hội Đền Hạ, lễ hội Chùa Hang (thị xã Tuyên Quang); lễ hội đình Giếng Tanh, lễ hội Đầm Mây (Yên Sơn); lễ hội Cầu Mùa (Sơn Dương); lễ hội chọi trâu, đền Bắc Mục, đền Thác Cái, lễ hội Động Tiên, chợ Quê (Hàm Yên)... Các lễ hội ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương bởi những nét văn hoá độc đáo, riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi xã, phường.

 
Lễ hội Đền Hạ, thị xã Tuyên quang. Ảnh: Hải Yến


Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những nghi thức trang nghiêm của phần lễ và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, giàu bản sắc của phần hội, trong các lễ hội ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần rút kinh nghiệm và triệt để khắc phục. Đó là tình trạng mê tín, dị đoan và những biến tướng của nó. Vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa bảo đảm, nhất là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được giám sát, quản lý; phần “lễ” nặng hơn phần “hội”; các trò vui chơi có thưởng thực chất là trò cờ bạc thì nhiều mà những trò vui mang tính giải trí lành mạnh còn ít. Vì vậy, để bảo đảm cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở lễ hội truyền thống. Trước hết, cần ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn cờ bạc, chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội.


Tổ chức và quản lý tốt lễ hội truyền thống là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa cổ truyền, góp phần vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục