Phù Lưu được mùa cam

Trở lại mảnh đất Phù Lưu (Hàm Yên) những ngày đầu xuân sẽ cảm nhận được không chỉ sắc xuân núi rừng, mà còn thấy được cả một mùa “ấm no” từ những vườn cam xum xuê, trĩu quả vàng rực nơi đồi cao.

 

Trong căn nhà sàn khang trang, anh Nông Văn Tươi, thôn Pá Han (Phù Lưu) vừa thu hái hơn 140 tấn cam cho biết: Do năm nay nhuận, thời tiết ổn định nên cam sành của gia đình trồng đều có mẫu mã đẹp, vườn cam chín đến đâu là được thương lái về tận nơi thu mua hết. Năm nay, cam loại đẹp tại vườn có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh có lãi khoảng 500 triệu đồng.


Anh Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu bên vườn cam của gia đình.

Theo anh Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: Phù Lưu được biết đến là xã có diện tích cam lớn nhất trong huyện Hàm Yên với trên 2.500 ha, năm 2017, sản lượng cam của xã đạt được 35.000 tấn, tập trung nhiều ở thôn Pác Cáp, thôn Pá Han, thôn Thôm Táu... Cả xã có hơn 60 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, như gia đình anh Nông Văn Âm, thôn Thôm Táu; anh Hà Văn Minh, thôn Pác Cáp;  anh Lù Văn Giang, thôn Bản Ban... Còn lại các hộ có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng trên xã thì có nhiều vô kể.

Cây cam trên đất Phù Lưu được gọi là “cây xóa đói giảm nghèo”. Cũng từ cây cam bà con yên tâm bám đất, bám làng, thoát nghèo bền vững. Gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn, thôn Pác Cáp là hộ như vậy. Từ một gia đình thuộc diện nghèo, qua bao năm gắn bó với cây cam cho tới nay, mỗi năm 3 ha cam của gia đình anh cho thu hoạch hơn 100 tấn, thu về gần 400 triệu đồng; gia đình anh cũng vừa hoàn thành căn nhà sàn bằng gỗ xoan với chi phí xây dựng trên 600 triệu đồng. Các con được đi học, đời sống của gia đình có nhiều đổi thay so với trước. 

Mỗi vụ cam không chỉ đem lại no ấm cho những hộ trồng cam, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Chị Hoàng Thị Hải, thôn Táu cho biết: Do cam của gia đình đã thu hoạch nên cả gia đình tranh thủ đi hái cam thuê cho những gia đình khác. Một ngày thu hái sẽ được trả 200.000 đồng, mỗi ngày cả gia đình 5 người như gia đình chị có thể kiếm tiền triệu từ công việc này. 

Gần đây, ở xã Phù Lưu nhiều hộ dân hướng đến sản xuất nông sản sạch, trồng cam theo hướng VietGap. Xã hiện có 4 nhóm hộ đã được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích trên 40 ha. Xã cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 24 lớp tập huấn để tuyên truyền, mở rộng hướng làm ăn mới, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng tầm, phát triển thương hiệu nổi tiếng của cam sành Phù Lưu nói riêng và cam sành Hàm Yên nói chung. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục