Văn phòng Liên lạc Liên Triều có thể chưa sập

Ảnh vệ tinh cho thấy Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều bị hư hại nhưng vẫn đứng vững, khác đống gạch vụn trong ảnh do Triều Tiên cung cấp.

 

Những bức ảnh vệ tinh thương mại chụp khu vực đặt Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều ở thành phố Kaesong, biên giới Triều Tiên hôm 22/6 cho thấy tòa nhà 4 tầng vẫn đứng vững, nhưng bị hư hại nghiêm trọng. Triều Tiên tuần trước công bố những bức ảnh về đống đổ nát tại hiện trường, cho thấy tòa nhà dường như bị phá hủy hoàn toàn sau khi bị giật sập bằng thuốc nổ.

Các nhà phân tích tại 38 North, nơi chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, tuần trước nói rằng đây "rõ ràng không phải một vụ nổ có kiểm soát vì tòa nhà không bị san bằng và gây thiệt hại đáng kể đối với các tòa nhà lân cận". Trong ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố cũng xuất hiện một trung tâm hỗ trợ cao tầng ở phía sau văn phòng liên lạc bị hư hại đáng kể.

Click để lật ảnh

Ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều (khoanh đỏ) trước và sau khi bị phá hủy. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên hôm 16/6 giật sập Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều sau nhiều lần chỉ trích Hàn Quốc không ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn vào nước này. Bình Nhưỡng sau đó tuyên bố việc phá hủy văn phòng chỉ là "dạo đầu" và căng thẳng sẽ leo thang "ngoài sức tưởng tượng".

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã tái bố trí loa phóng thanh gần Khu Phi quân sự (DMZ). Những hệ thống như vậy đã bị dỡ bỏ sau khi hai miền ký thỏa thuận năm 2018 để giảm "toàn bộ hành động thù địch".

"Chúng tôi cũng đang xem xét đặt lại loa của chúng tôi", một quan chức quân đội Hàn Quốc nói. "Tuy nhiên Triều Tiên chưa bắt đầu phát sóng và chúng tôi đã sẵn sàng để phản công bất cứ lúc nào".

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận động thái của Triều Tiên, nhưng nhắc lại rằng Bình Nhưỡng sẽ phải chịu hậu quả nếu tiếp tục bất chấp các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa bình.

Trong nhiều thập kỷ qua, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đẩy mạnh tuyên truyền qua biên giới như một hình thức tâm lý chiến. Hàn Quốc phát sóng tin tức, các bài hát nhạc pop và chỉ trích chế độ Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng chỉ trích Seoul và ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hình ảnh văn phòng liên lạc bị giật sập trong ảnh do Triều Tiên công bố. Ảnh: KCNA.
 

Hình ảnh văn phòng liên lạc bị giật sập trong ảnh do Triều Tiên công bố. Ảnh: KCNA.

Một số nhóm do người đào tẩu lãnh đạo thường xuyên gửi truyền đơn, thực phẩm, tờ 1 USD, radio mini và USB có chứa các bộ phim truyền hình và tin tức của Hàn Quốc, thường bằng bóng bay hoặc thả chai trên sông. Chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi hành động pháp lý để ngăn chặn các hoạt động như vậy với lý do lo ngại về an toàn cho cư dân ở các thị trấn biên giới, nhưng vẫn còn tranh cãi về việc liệu động thái này có vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của đất nước hay không.

Triều Tiên cũng đã chuẩn bị khoảng 12 triệu truyền đơn để "phản ánh sự phẫn nộ và thù hận của người dân ở mọi tầng lớp". Hơn 3.000 bóng bay "có khả năng phát tán truyền đơn sâu bên trong Hàn Quốc" cùng các phương tiện khác cũng được chuẩn bị.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục