Carrie Lam không tự chọn thẩm phán xử án an ninh

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ không chỉ định thẩm phán xét xử các vụ án theo luật an ninh mới do đại lục ban hành.

 

"Nếu một ngày nào đó xuất hiện vụ án liên quan luật an ninh quốc gia, trách nhiệm phân công thẩm phán xét xử vẫn thuộc về cơ quan tư pháp Hong Kong", bà Lam nói với các phóng viên hôm nay. "Trưởng đặc khu không chịu trách nhiệm việc này".

Tuyên bố được bà Lam đưa ra dường như là một động thái trấn an dư luận Hong Kong, sau khi Xinhua cuối tuần trước hé lộ một số điểm chính trong dự thảo luật an ninh Hong Kong, trong đó có điều khoản cho phép trưởng đặc khu chỉ định thẩm phán xét xử các vụ án liên quan luật an ninh quốc gia.

Điều khoản này đã khiến các nhà hoạt động chính trị, luật sư Hong Kong và chính phủ nhiều nước lo ngại, gọi đây là "thách thức nghiêm trọng với sự độc lập tư pháp" của đặc khu theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

Giới phê bình cũng quan ngại luật mới có thể loại trừ thẩm phán nước ngoài ở Hong Kong tham gia xét xử các vụ án về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung chi tiết của dự luật vẫn chưa được công bố và bà Lam cho hay bà cũng chưa xem toàn bộ bản thảo.

Trưởng đặc khu Hong Kong khẳng định thay vì chỉ định thẩm phán, bà sẽ bổ nhiệm một hội đồng thẩm phán phụ trách mọi hoạt động xét xử, dựa trên khuyến nghị của một cơ quan tư pháp. Bà nói thêm rằng "trong các chi tiết của dự luật được công bố, vấn đề liên quan quốc tịch của các thẩm phán xử lý các vụ án an ninh quốc gia vẫn chưa được đề cập".

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại họp báo ở Bắc Kinh, hôm 3/6. Ảnh: Reuters.
 

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại họp báo ở Bắc Kinh, hôm 3/6. Ảnh: Reuters.

Theo Xinhua, dự luật an ninh Hong Kong gồm 66 điều và 6 chương, nhiều khả năng sẽ được thông qua vào cuối tháng 6. Dự luật quy định Trung Quốc đại lục sẽ thành lập Văn phòng Ủy viên An ninh Quốc gia Trung Quốc đại lục tại Đặc khu Hành chính Hong Kong để hỗ trợ chính quyền đặc khu trong bảo vệ an ninh quốc gia cũng như thực thi quyền tư pháp với một số vụ đe dọa an ninh quốc gia.

Chính quyền Hong Kong cũng sẽ thành lập một "ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia" do trưởng đặc khu đứng đầu, với ít nhất 10 ủy viên, trong đó có cảnh sát trưởng và quan chức đứng đầu ngành hải quan. Luật an ninh mới nếu được thi hành sẽ có hiệu lực cao hơn bất cứ điều luật nào của Hong Kong mâu thuẫn với nó.

Dự luật làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 22/6 kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy ban hành luật an ninh Hong Kong, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải chịu "hậu quả rất tiêu cực" nếu ban hành luật.

Tuy nhiên, Vương Lỗ Đồng, lãnh đạo phụ trách các vấn đề châu Âu tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay tuyên bố "phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào vấn đề này".

Bắc Kinh khẳng định dự luật an ninh Hong Kong chỉ nhắm đến một nhóm nhỏ đe dọa an ninh quốc gia. Dự luật cũng được kỳ vọng giải quyết các vấn đề ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở Hong Kong.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục