Những người bị nCoV 'nguyền rủa'

Du Mingjun gõ cửa căn hộ ở ngoại ô Vũ Hán, người đàn ông đeo khẩu trang mở cửa, bật khóc khi Du tự giới thiệu là nhà tư vấn tâm lý.

 

"Tôi thật sự không thể chịu nổi nữa", người này nói. Người đàn ông ngoài 50 tuổi được phát hiện nhiễm nCoV vào đầu tháng hai và đã được điều trị tại hai bệnh viện, trước khi chuyển đến trung tâm cách ly tại một khu chung cư ở Vũ Hán.  

Ông đặt câu hỏi vì sao kết quả xét nghiệm cho thấy ông vẫn mang virus dù đã hơn hai tháng trôi qua. Câu hỏi đó cũng là thắc mắc của nhiều bác sĩ Trung Quốc trên tuyến đầu chống dịch.

Bác sĩ xem phim chụp phổi tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 3/2. Ảnh: AFP.

Bác sĩ xem phim chụp phổi tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 3/2. Ảnh: AFP.

Các bác sĩ tại Vũ Hán ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp dường như đã bình phục nhưng vẫn tiếp tục dương tính với nCoV dù không có triệu chứng. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của họ khi Trung Quốc bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến kiềm chế Covid-19.  

Những bệnh nhân này đều từng âm tính với nCoV tại một số thời điểm sau khi được cho là đã bình phục, nhưng sau đó dương tính trở lại. Một số người dương tính trở lại sau 70 ngày, nhiều người khác 50-60 ngày.  

Đây cũng là nỗi lo lắng quốc tế khi nhiều quốc gia đang muốn chấm dứt phong tỏa và nối lại hoạt động kinh tế khi dịch có dấu hiệu chững lại. Thời gian cách ly với người nhiễm nCoV được khuyến nghị áp dụng trên toàn cầu là 14 ngày.

Trung Quốc không công bố chính xác bao nhiêu bệnh nhân rơi vào trường hợp này. Nhưng theo tìm hiểu của Reuters từ các bệnh viện Trung Quốc, có ít nhất hàng chục ca như vậy.

Ở Hàn Quốc, khoảng 1.000 người dương tính với nCoV 4 tuần trở lên. Tại Italy, giới chức y tế nhận thấy người nhiễm có thể dương tính trong khoảng một tháng.  

Giới chức y tế Trung Quốc cho biết chưa ghi nhận trường hợp tái dương tính nào lây nhiễm cho người khác. Nhưng vì chưa thể khẳng định điều này, các bác sĩ Vũ Hán chỉ còn cách tiếp tục cách ly họ.

Zhang Dingyu, chủ tịch bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi điều trị các ca nhiễm nCoV nặng nhất ở Vũ Hán, cho biết các quan chức y tế thừa nhận biện pháp cách ly có thể thừa thãi nếu người tái dương tính được chứng minh là không còn có thể lây cho người khác. "Nhưng hiện giờ vẫn cần làm vậy để bảo vệ công chúng", ông nói.

Ông mô tả đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà bệnh viện đối mặt và cho biết các nhà tư vấn tâm lý như Du được triển khai để giúp người nhiễm bớt căng thẳng. "Khi bệnh nhân gặp áp lực như thế này, nó cũng đè nặng lên xã hội", ông nói thêm.

Nhiều người mô tả tình cảnh nhiễm nCoV dai dẳng như thể họ bị virus "nguyền rủa", cho thấy còn nhiều điều chưa biết về Covid-19. Tính đến ngày 21/4, 93% trong số 82.788 người nhiễm nCoV ở Trung Quốc đã bình phục và được xuất viện, theo số liệu chính thức.  

Yuan Yufeng, phó chủ tịch bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán, nói rằng ông biết một người tái dương tính 70 ngày sau khi lần đầu tiên được chẩn đoán nhiễm nCoV. "Chúng tôi chưa từng thấy trường hợp như vậy trong dịch SARS", ông đề cập đến đại dịch bùng phát năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm trên toàn cầu, chủ yếu ở Trung Quốc.  

Bệnh nhân ở Trung Quốc được xuất viện nếu hai lần xét nghiệm axit nucleic cách nhau ít nhất 24 giờ đều cho kết quả âm tính và không còn triệu chứng. Một số bác sĩ muốn nâng tiêu chí này lên ít nhất ba lần xét nghiệm âm tính.

Wang Guiqiang, giám đốc khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Bắc Kinh số 1, cho biết phần lớn bệnh nhân như vậy không có triệu chứng và rất ít người chuyển biến nặng.

"nCoV là một loại virus mới", Guo Yanhong, quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói. "Đối với bệnh này, ẩn số vẫn lớn hơn những gì chúng ta đã biết".  

Các chuyên gia và bác sĩ đang gặp khó khăn khi cố gắng giải thích tại sao virus lại có ảnh hưởng khác nhau với mỗi người. Một số người cho rằng các bệnh nhân tái dương tính là do một lần nữa nhiễm nCoV. Giả thuyết này làm suy yếu hy vọng rằng những người bình phục sẽ sản sinh kháng thể giúp họ không tiếp tục nhiễm nCoV.  

Zhao Yan, bác sĩ khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung Nam Vũ Hán, hoài nghi về giả thuyết này, dù ông không có bằng chứng cụ thể. "Họ đã được theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện và cũng tự ý thức được những rủi ro nên đã cách ly. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng họ không bị tái nhiễm".

Jeong Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc ghi nhận 91 người rơi vào trường hợp "tái dương tính" như vậy. Họ đánh giá nguyên nhân tái dương tính là virus vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân chứ không hết hẳn, có thể đã "ngủ đông" và sau đó "thức tỉnh".

Các chuyên gia Hàn Quốc và Trung Quốc khác nhận định lượng nhỏ virus vẫn có thể tồn tại trong cơ thể người bình phục, nhưng chúng không gây hại cho người bị nhiễm và lây sang người khác.

Chưa có nhiều thông tin chi tiết được tiết lộ về những trường hợp này, như họ có bệnh  lý nền hay không. Paul Hunter, giáo sư tại Đại học East Anglia, cho biết ông từng thấy những người có hệ miễn dịch yếu rất lâu khỏi khi nhiễm các loại virus khác như norovirus (virus gây nôn mửa mùa đông) hay cúm.

Năm 2015, giới chức Hàn Quốc phát hiện một bệnh nhân ung thư hạch dương tính với virus MERS 116 ngày. Họ nói rằng hệ thống miễn dịch yếu khiến cơ thể ông không loại bỏ được virus. Bệnh nhân cuối cùng chết vì ung thư hạch.

Yuan cho rằng ngay cả khi cơ thể người nhiễm sản sinh kháng thể, điều đó không đảm bảo họ sẽ không còn virus. Một số bệnh nhân có nồng độ kháng thể cao vẫn dương tính khi xét nghiệm axit nucleic. "Có nghĩa là hai phe vẫn đang chiến đấu với nhau", ông nói thêm.

Virus đang gây ra tổn thất tinh thần nặng nề cho những người lâm vào "vòng luẩn quẩn" dương tính. Du đầu tháng này đến thăm trung tâm cách ly ở ngoại ô Vũ Hán. Một người đàn ông nói rằng ông đã làm xét nghiệm 10 lần kể từ tuần thứ ba của tháng hai, đa phần cho kết quả dương tính.

"Tôi cảm thấy ổn và không có triệu chứng gì, nhưng cứ dương tính đi dương tính lại. Con virus này làm sao vậy?", người này hỏi Du.

Người nhiễm nCoV cần ở lại trung tâm ít nhất 28 ngày và nhận được hai kết quả âm tính thì mới được rời đi. Họ được cách ly trong phòng riêng, chi phí do chính phủ chi trả.  

Trường hợp khiến Du lo lắng nhất là người đàn ông ngoài 50 tuổi. Ông từng nói với nhân viên y tế rằng ông muốn tự sát. "Tôi đã không suy nghĩ tỉnh táo", ông nói với Du, giải thích ông đã nhiều lần chụp CT và xét nghiệm axit nucleic tại các bệnh viện khác nhau, một số cho kết quả âm tính. Ông lo lắng mình đã bị tái nhiễm khi đến các bệnh viện.

Ông cho biết cháu trai rất nhớ mình. Ông lo lắng sẽ không còn có thể gặp lại cháu. Người đàn ông bật khóc nức nở: "Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục