Ba kịch bản với Tổng thống Pháp sau cú sốc bầu cử quốc hội

Để thua sốc ở quốc hội, đảng của Tổng thống Macron sẽ phải lập chính phủ liên minh, hoặc đàm phán từng dự luật hay tổ chức cuộc bầu cử mới với nhiều rủi ro.

 

Theo kết quả bầu cử quốc hội được Bộ Nội vụ Pháp công bố 20/6, liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Emmanuel Macron giành 245 trong tổng số 577 ghế nghị sĩ. Kết quả này giúp "Cùng nhau" duy trì được vị thế đảng lớn nhất trong quốc hội Pháp, nhưng đánh mất thế đa số.

Kịch bản này cực hiếm dưới các thời tổng thống Pháp đương đại, ngay cả trước khi nước này thay đổi hiến pháp vào năm 2002, nhằm giúp tổng thống dễ dàng đảm bảo thế đa số trong quốc hội hơn.

Gọi đây là "cú sốc dân chủ", Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire thừa nhận sẽ phải thương lượng với các chính trị gia ngoài liên minh "Cùng nhau" để điều hành đất nước. Nhiều chính trị gia cũng nhận định đây là một thất bại của Tổng thống Macron.

Về lý thuyết, cuộc bầu cử quốc hội sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Pháp, vốn được tổng thống định đoạt. Tuy nhiên, các vấn đề trong nước có khả năng sẽ khiến ông Macron thường xuyên bị phân tâm và có thể ảnh hưởng tới đường lối đối ngoại của ông.

Giới quan sát nhận định Tổng thống Macron và liên minh của mình sẽ đối mặt với ba kịch bản sau khi đánh mất thế đa số ở quốc hội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Le Touquet hôm 19/6. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Le Touquet hôm 19/6. Ảnh: AFP.

Thành lập liên minh mới

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố sẽ nhanh chóng thảo luận với các bên liên quan về vấn đề xây dựng liên minh ngay trong hôm nay. Trong bối cảnh đất nước trải qua cuộc khủng hoảng bão giá, đảng cầm quyền Pháp đang gấp rút thông qua một dự luật khẩn cấp để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp trước kỳ nghỉ mùa hè bắt đầu vào tháng 8.

Dự luật này, cùng các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của ông Macron, như cải cách phúc lợi hoặc nâng độ tuổi nghỉ hưu, sẽ cần sự ủng hộ của các đồng minh trong quốc hội, khi "Cùng nhau" không còn chiếm thế đa số.

Liên minh "Cùng nhau" của ông Macron nhiều khả năng sẽ đàm phán với đảng cánh hữu Cộng hòa (LR) và đồng minh trung hữu UDI, đang giành được khoảng 55-75 ghế trong quốc hội.

"Chúng tôi sẽ nhanh chóng hình thành phe đa số", Bộ trưởng phụ trách quan hệ quốc hội Pháp Olivier Veran tỏ ra lạc quan về khả năng thành lập liên minh mới.

 

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói rằng đảng cầm quyền cần "tính đến nhiều phương án", kêu gọi các đảng đồng tình với quan điểm của Tổng thống Macron đứng lên ủng hộ ông.

Một số thành viên đảng LR được cho là có quan điểm ủng hộ hợp tác với Tổng thống Macron, song lãnh đạo LR Christian Jacob hôm 19/6 bác bỏ điều này. "Chúng tôi đã vận động tranh cử với tư cách đảng đối lập, chúng tôi ở phe đối lập và sẽ duy trì như vậy", ông Jacob nói.

Tuy nhiên, phát ngôn của Jacob có thể chỉ là chiến thuật đàm phán, nhằm thu hút thêm ghế bộ trưởng cùng các nhượng bộ khác trong chính phủ liên minh.

Nếu một liên minh cầm quyền mới được thành lập, Tổng thống Macron có thể sẽ phải chuyển hướng sang cánh hữu, nhưng điều đó sẽ giúp ông thúc đẩy kế hoạch cắt giảm thuế, cải cách phúc lợi và lương hưu mà ông ấp ủ từ lâu.

Đàm phán từng dự luật

Trong trường hợp không xây dựng được một liên minh chiếm đa số tại quốc hội, chính phủ thiểu số của Tổng thống Macron sẽ cần sự ủng hộ của các đảng đối lập khi muốn đàm phán thông qua từng dự luật.

Điều này đòi hỏi các cuộc thương lượng lâu dài trước khi mỗi dự luật được đưa ra biểu quyết. Bất cứ quyết định rút lại ủng hộ vào phút chót nào của các đảng đối lập cũng có thể khiến dự luật mà chính phủ thiểu số đề xuất rơi vào ngõ cụt.

Đảng LR sẽ là một chìa khóa quan trọng trong trường hợp này, do đảng của ông Macron nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ liên minh cực tả NUPES hay phe Tập hợp Quốc gia theo đường lối cực hữu.

"Bạn vẫn có thể cầm quyền với một chính phủ thiểu số, miễn là các đảng đối lập không hợp lực chống lại bạn", Dominique Rousseau, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Paris Pantheon-Sorbonne, nhận định.

Cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard từng lãnh đạo chính phủ cánh tả thiểu số giai đoạn 1988-1991, sau khi phe cánh hữu giành thêm ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1988. Jean-Paul Huchon, cựu quan chức trong nội các Pháp khi đó, gần đây đã mô tả khoảng thời gian này là "địa ngục".

Thủ tướng Borne dự kiến đưa ra bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội mới trong những tuần tới và sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể khiến bà mất ghế.

Hiến pháp Pháp có một điều khoản trao cho Tổng thống Macron công cụ thúc đẩy các dự luật tại quốc hội. Điều 49.3 trong hiến pháp cho phép thủ tướng thông qua dự luật mà không cần tranh luận trước quốc hội. Tuy nhiên, động thái này có thể bị đảo ngược nếu bị đa số nghị sĩ trong quốc hội phản đối trong vòng 24 giờ từ khi áp dụng và cũng chỉ được sử dụng một lần trong mỗi kỳ họp quốc hội.

Tổ chức cuộc bầu cử mới

Trong trường hợp tình thế tại quốc hội vẫn bế tắc và đảng của ông Macron không thành lập được chính phủ liên minh ổn định, Tổng thống Pháp có thêm một lựa chọn là giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử mới cũng không chắc khả quan hơn, trong bối cảnh cử tri Pháp ngày càng giận dữ do lạm phát tăng.

Quyết định này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen có thể tăng lên và liên minh "Cùng nhau" có nguy cơ hứng chịu thất bại nặng nề hơn.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục