Hàm Yên hình thành các vùng chuyên canh giá trị

Huyện Hàm Yên xác định, phát triển một số sản phẩm nông lâm nghiệp có lợi thế theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là khâu đột phá. Từ đó, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, làm giàu cho người dân.

 


Các sản phẩm nông sản của huyện Hàm Yên được bày bán và giới thiệu
sản phẩm tại thành phố Tuyên Quang. 

Huyện đã hình thành vùng chuyên canh cam với diện tích lên đến 7.200 ha. Sản phẩm cam sành Hàm Yên được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên tục đạt được những danh hiệu khẳng định giá trị như: Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; Top 10 thương hiệu  nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Người nông dân Hàm Yên giàu lên từ trồng cam, xuất hiện nhiều làng triệu phú ở Phù Lưu, Tân Thành, thị trấn Tân Yên… Cam Hàm Yên hiện đã có mặt ở các siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố miền Nam.


Vùng sản xuất chè VietGAP tại thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành, Hàm Yên.

Cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện đã tiến hành rà soát, quy hoạch quỹ đất lâm nghiệp để định hướng, vận động nhân dân trồng rừng nguyên liệu. Tổng diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2016 - 2019 đạt 10.244 ha, đạt 80% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong đó, diện tích rừng trồng bằng giống cây keo mô, keo hạt nhập ngoại là 622 ha. Sản lượng khai thác gỗ trừng trồng đạt 858.500 m3, giá trị sản phẩm hàng năm đạt 230 - 250 tỷ đồng; giá trị doanh thu đạt 99 triệu đồng/ha.


Gia đình chị Trần Thị Cường, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ.

Bên cạnh đó, Hàm Yên cũng đã xây dựng vùng sản xuất mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Tuyên Quang, phát triển vùng trồng chè trên 2.140 ha và vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng hàng năm đạt trên 53.000 tấn. Đồng thời, nhiều sản phẩm chăn nuôi đã có thương hiệu như vịt bầu Minh Hương, cá lồng đặc sản trên sông Lô.


Người dân thôn Ao Họ, xã Minh Hương (Hàm Yên) có cuộc sống khá từ trồng rừng.

Để thúc đẩy xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao giá trị sản xuất, UBND huyện Hàm Yên đề ra các giải pháp đến năm 2020 giữ ổn định diện tích cam sành, nhân rộng phát triển cam theo mô hình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 460 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 17 ha cam sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Hiện, trên địa bàn huyện đã thành lập Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên hỗ trợ người trồng cam bao tiêu sản phẩm, kỹ thuật trồng cam chất lượng cao và đang triển khai dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cam, đáp ứng nhu cầu thị trường. Huyện vận động doanh nghiệp, hợp tác xã chè xây dựng dự án theo Nghị quyết 41/2015-HĐND của HĐND tỉnh để hỗ trợ nhân dân trồng mới, trồng lại diện tích chè già cỗi và nhân rộng mô hình sản xuất chè theo chuẩn VietGAP; chuyển đổi sử dụng rộng rãi cây keo lai mô vào trồng đại trà từ các nguồn vốn theo Nghị quyết 03/2017-HĐND của HĐND tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn.

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với những sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2016 - 2019, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng 7,2 triệu đồng/người/năm so với giai đoạn 2011 - 2015.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục