Thu nhập cao từ chế biến lâm sản

Anh Phạm Văn Nghĩa, tổ nhân dân Tân Cương, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) là điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Từ mô hình chế biến gỗ ván bóc, gỗ băm dăm và trồng rừng đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

Cuối năm 2011, anh vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được 50 triệu đồng và chung vốn cùng bạn bè dựng xưởng chế biến gỗ ván bóc, gỗ băm dăm. Anh thuê mảnh đất gần nhà để làm nhà xưởng; đầu tư 3 máy xẻ hết 80 triệu đồng. Sau nửa năm hoạt động, xưởng gỗ của anh đã có doanh thu, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng.


Anh Phạm Văn Nghĩa tổ nhân dân Tân Cương, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên)
kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, nắm bắt cơ hội này, năm 2014, anh Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất chế biến gỗ ván bóc, gỗ dăm, thuê 6 lao động làm việc tại xưởng với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng chế biến gỗ của gia đình anh hoạt động ngày càng hiệu quả. Sản phẩm gỗ ván bóc và gỗ băm dăm của gia đình anh được các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng về tận nơi thu mua để làm ván ép xuất khẩu hay ván gỗ dăm công nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, xưởng sản xuất, chế biến gỗ của gia đình anh cung cấp ra thị trường 10.000 tấn dăm băm và 1.000 m3 ván bóc/năm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương, anh Nghĩa còn trồng được 25 ha rừng tại xã Hùng Đức. Hiện toàn bộ diện tích rừng của anh đã được 5 - 6 năm tuổi. Theo anh Nghĩa, với giá 1,3 triệu đồng/tấn gỗ như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng 60 triệu đồng/ha.

Sự mạnh dạn và năng động của anh Nghĩa góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho lao động địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục