Những “đại gia” cam sành bản Dao

Đường lên các bản người Dao Nắc Con 1, Nắc Con 2, Ngõa, xã Yên Lâm (Hàm Yên) ngun ngút dốc núi. Những gia đình người Dao sống trong thung lũng núi, ở đó có những “đại gia” cam sành đầy ắp nhiệt huyết phát triển kinh tế và sẵn lòng với việc của xóm bản.

Chuyện ông “Tè đói”

Ba thôn Nắc Con 1, Nắc Con 2, Ngõa cách trung tâm xã chừng 11 km, có 398 hộ sinh sống trong thung lũng núi. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi này phù hợp với trồng cam. Ở đây người dân còn được hưởng lợi nguồn nước tự chảy từ núi Đát Ghè, Đát Luộc đổ về làm mát cho những đồi cam. Hẳn vì thế mà cam ở đây cho năng suất khá cao, chất lượng, xuất hiện nhiều “đại gia” từ cam, trong đó điển hình là ông Tướng Văn Tè ở thôn Ngõa.


Ông Tướng Văn Tè (bên trái) thôn Ngõa, xã Yên Lâm bên vườn cam của gia đình.

Gặp ông Tướng Văn Tè trên đồi cam sai trĩu quả mới thấy nỗ lực của con người này. Ông bảo, dạo mới lấy vợ nghèo lắm, nhà tranh tre nứa lá, bởi có biết làm ăn đâu, cứ đi làm thuê cuốc mướn mãi nên khó thoát được cái mác “Tè đói” mà dân bản gắn cho. Nghĩ mà thấy giận chính bản thân mình - ông Tè chia sẻ. Vậy nên, ông phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời. 

Năm 1999, ông Tè quyết định “làm liều”, bán hơn 1 mẫu ruộng được 3 triệu đồng và vay mượn thêm người thân được 2 triệu đồng để trồng cam. Ông bảo, vợ con ông “run nhong nhóc” vì mọi người cho rằng bán hết ruộng đi lấy gì mà cày cấy, thiếu thóc gạo thì “Tè đói” mãi đói thôi. Ông nghe cũng thấy đúng nhưng chí trai thì đã làm thì phải ra làm. Và ông đã làm, không những cả nhà ông phục mà cả bản Ngõa này nể lắm. Từ 1.000 cành cam giống đầu tiên, đến nay ông đã nhân lên được hơn 6.000 gốc cam. Những năm cam được mùa, được giá ông thu cả tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng thu lãi 600 - 700 triệu đồng. 

Từ trồng cam, gia đình ông Tè đã xây được ngôi nhà kiên cố trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua ô tô tiền tỷ. Ông Tè bảo, vụ cam năm 2019 dự kiến cho thu trên 100 tấn quả, lại có cả tỷ bạc rồi đây. Vụ tới, ông sẽ đầu tư cải tạo vườn cam, trồng cam VietGAP, cam hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và cuộc sống của gia đình và bà con xóm bản. Nguồn vốn từ cam, ông còn đầu tư trồng rừng, mở rộng diện tích rừng trồng lên 60 ha. Hiện ông đang giao bán lô rừng 4 ha, dự kiến thu khoảng 320 triệu đồng.

Những “mạnh thường quân”

Ở Nắc Con 1, Nắc Con 2 và thôn Ngõa hiện có 150 ha cam, trong đó có 15 “đại gia” từ trồng cam. Những đại gia này là “mạnh thường quân” đối với các công việc của xóm bản. Người ta nhắc đến đảng viên trẻ Đặng Văn Thiên ở Nắc Con 1 là điển hình trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp.  Gia đình anh có 800 gốc cam cho thu hoạch, trung bình mỗi vụ trên 30 tấn, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Anh Thiên còn quy hoạch lại diện tích mặt nước khoảng hơn 1 sào của gia đình để chăn thả cá, đầu tư trồng 10 ha rừng, tăng thu nhập cho gia đình.


Vườn cam của gia đình ông Trương Đình Hải, Bí thư Chi bộ thôn Nắc Con 1 xã Yên Lâm (Hàm Yên) cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. 

Lão nông Mai Xuân Đảm, thôn Nắc Con 2 cũng chọn hướng làm giàu từ cây cam nơi ngọn nguồn Đát Luộc. Ông chăm chút 1.600 gốc cam như chăm “con mọn” nên vườn cam của ông được ví như vườn cam mẫu, từ năm 2004 đã cho thu nhập 200 triệu đồng/vụ. Nhận thấy cây cam có triển vọng làm giàu, ông mở rộng diện tích trồng cam lên 5.000 cây. Ông Đảm cho biết, từ năm 2008 đến nay, năm nào nhà ông cũng có thu nhập từ gần 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm từ trồng cam. 

Những “đại gia” cam sành luôn sẵn lòng vì việc xóm bản. Năm 2019, thôn Nắc Con 2 được Nhà nước hỗ trợ làm 1 km đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa. Trưởng thôn Lý Văn Lon cho biết, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển vật liệu, nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động… đề thi công con đường. Con đường này có nhiều hộ trồng cam ở các thôn khác được hưởng lợi, vậy nên họ tự nguyện đóng góp như ông Tướng Văn Tè, thôn Ngõa; Mai Xuân Đảm, thôn Nắc Con 2, mỗi người góp 10 triệu đồng để hoàn thiện con đường. Thôn có 2 hộ khó khăn, bà con bảo nhau miễn cho việc đóng góp làm đường. Đến nay con đường bê tông rộng 3m, dày 16cm đã hoàn thành, tạo điều kiện để phương tiện đến tận vườn thu hoạch cam, bà con không phải gánh cam về bản như trước nữa.

Những “đại gia” còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo xóm bản về việc làm, có thu nhập khá. Gia đình ông Triệu Văn Sóc, thôn Nắc Con 1 có 5 nhân khẩu, là hộ nghèo nhiều năm nay. Ông bảo, được các “đại gia” tạo việc làm cho vợ chồng ông và các con như làm cỏ, chăm sóc cam, trồng rừng, mỗi ngày gia đình ông có thu nhập đến 1 triệu đồng. Điều này nhiều lúc ông thấy như ở trong mơ. Năm nay, ông sẽ xin ra khỏi hộ nghèo, để tạo điều kiện cho các hộ nghèo khác trong thôn được hỗ trợ vươn lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Thịnh cho biết, từ trồng cam, phát triển trồng rừng kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng, cuộc sống của các bản người Dao Yên Lâm đã nhiều thay đổi. Đa phần các hộ xây được nhà, có đủ tiện nghi sinh hoạt, nhiều hộ sắm được “xế hộp”. Thời gian tới, UBND định hướng người Dao trồng cam sạch, cam rải vụ để gia tăng giá trị sản phẩm, để bản người Dao có thêm nhiều “đại gia” mới.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục