MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội huyện Hàm Yên tích cực vận động Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế

Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích Nhân dân làm giàu chính đáng là một trong số các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ cấp huyện, cấp cơ sở và các tổ chức chính trị xã hội huyện Hàm Yên tuyên truyền triển khai thực hiện. Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy kết quả đạt được rất tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, MTTQ cấp huyện, cấp cơ sở trong huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung đầu tư thâm canh các loại cây trồng có lợi thế của như: Cây cam sành, cây chè, cây mía, cây lâm nghiệp…để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của huyện; liên kết hội viên thành lập HTX sản xuất tập trung; thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh, của huyện hỗ trợ thành lập HTX, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tín dụng cho vay phát triển kinh tế... 

Mô hình kinh tế trang trại của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên

Là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, ông Nguyễn Văn Vĩnh, thôn 1 Thái Thủy, xã Thái Sơn không chỉ làm tốt vai trò của một cán bộ Mặt trận hết mình vì Nhân dân mà ông con là một tấm gương tiêu biểu ở xã Thái Sơn trong phát triển kinh tế trang trại.

Có mặt tại trang trại của ông, chúng tôi khá ấn tượng với mô hình  kinh tế trang trại theo hướng khép kín và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Ông Vĩnh cho biết: "Trang trại của gia đình tập trung vào phát triển rừng, trồng bưởi, nuôi trâu vỗ béo, gia cầm và nuôi cá thịt. Để có nguồn thức ăn cho đàn trâu gia đình tôi đã manh dạn đầu tư trồng 7.200 m2 cỏ voi làm thức ăn cho trâu, nguồn chất thải từ chăn nuôi trâu được ủ hoai mục bón cho cây trồng. Ngoài ra tôi còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động dẫn nước sạch từ Hồ Khởn vào ao nuôi cá của gia đình, pha với nguồn phân bón hữu cơ từ bể ủ đỗ tương, ủ cá để tưới cho cây trồng theo hệ thống tưới tự động. Từ ngày có hệ thống tưới nước tự động đã tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công. Nhờ tập trung phát triển kinh tế đã giúp gia đình thu về trên 600 triệu đồng mỗi năm".

Huyện Hàm Yên có trên 7.000ha cam sành, sản lượng đạt từ 80 đến 100 nghìn tấn quả mỗi năm, với giá trị  kinh tế từ cây cam mang lại đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Điều này có thể thấy rõ ở sự đổi thay của những bản làng ở Hàm Yên. Nông thôn đã thay đổi, giữa những vùng cam, những ngôi nhà kiên cố của đồng bào các dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều.

Có được kết quả đó là nhờ các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ cấp huyện, cấp cơ sở  đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chăm sóc cam theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, theo mô hình VietGap, theo hướng hữu cơ nhằm giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên; tiếp tục duy trì nhãn hiệu chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, nhân rộng và phát triển vịt bầu Minh Hương, cá chiên đặc sản Thái Hòa, nuôi trâu vỗ bẽo...

Toàn huyện hiện có hơn 200 trang trại, đa số là các trang trang trại trồng trọt. Nếu như trước đây, các trang trại của huyện đều có quy mô nhỏ, nhưng được sự tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị xã hội của MTTQ huyện thì đến nay một số trang trại đã chuyển sang chuyên môn hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm có thu nhập cao, tập trung nhiều tại các xã như Đức Ninh, Thái Hòa, Phù Lưu, Thái Sơn, Yên Phú... nhiều trang trại có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Sự phát triển của kinh tế trang trại ở Hàm Yên đã dần khẳng định vị trí rõ nét trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Có thể khẳng định rằng để đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế là sự đóng góp của các cấp MTTQ từ huyện đến cơ sở và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; xây dựng các mô hình kinh tế điểm để Nhân dân học tập, làm theo; hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... phát huy tốt vai trò tự quản ở cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững./.

PV

Tin cùng chuyên mục