Phát triển cam sành VietGap ở Hàm Yên

Với diện tích cây cam sành lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang nên việc lựa chọn hướng phát triển bền vững cho cả vùng cam sành là nhiệm vụ quan trọng kể cả trước mắt cũng như lâu dài đối với huyện Hàm Yên.

Diện tích cam sành Hàm Yên chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap nhìn từ trên cao.

Đến nay, toàn xã Phù Lưu đã có trên 50ha cam sành được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Qua thực tế cho thấy, việc thay đổi hướng sản xuất này đã giúp cho toàn bộ diện tích cam của các hộ tham gia mô hình này phát triển tốt, cây khỏe và đặc biệt là hạn chế được dịch bệnh trên cây trồng. Các nguồn phân hữu cơ được bổ sung, thay thế phân vô cơ. Đồng thời quy trình chăm sóc được tuân thủ nghiêm ngặt, có kiểm soát đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho môi trường, quá trình sinh trưởng cũng như chất lượng, sản lượng của loại cây ăn quả đặc sản này.

Các mô hình, tổ hợp tác sản xuất cam ở xã Phù Lưu đã được thành lập và đi vào hoạt động, với mục đích liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Đặc biệt, từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất cam theo quy trình VietGap, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ đã bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây, giúp toàn bộ diện tích cam phát triển trong điều kiện tốt nhất. Mặt khác, xã Phù Lưu cũng tranh thủ các nguồn lực và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình cam thực sự bền vững.

Không chỉ riêng Phù Lưu, mà hiện nay 13/13 xã, thị trấn trong vùng sản xuất cam sành hàng hóa của huyện Hàm Yên đều thực hiện sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap. Với gần 130 ha diện tích mô hình, hiện nay huyện Hàm Yên đã nhân rộng, phấn đấu áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho 100% diện tích cam của toàn huyện là trên 7.000 ha.

Sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ được thể hiện từ các giấy chứng nhận người nông dân ở Hàm Yên nhận được, mà điều quan trọng là qua đó đã làm thay đổi nhận thức, hành động của người nông dân về phương thức sản xuất mới.

Những mô hình trồng, chăm sóc cam bằng chế phẩm sinh học, nguồn phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt tính cao cũng được các hộ nông dân lựa chọn để ứng dụng vào thực tế. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016- 2025./.

PV

Tin cùng chuyên mục