Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo Bộ Công an báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06.
Theo đó, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả nổi bật: Dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 năm 2024 với tổng số 73 nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu. Trong đó hoàn thành và đang thực hiện thường xuyên 32 nhiệm vụ, đang triển khai 38 nhiệm vụ; còn 3 nhiệm vụ chưa triển khai (đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo từ bộ, ngành Trung ương).
Bên cạnh mặt ưu điểm, công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 vẫn còn những mặt hạn chế: Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 48%; trung tâm điều hành thông minh chưa có kịch bản điều hành dựa trên dữ liệu; chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để dữ liệu trở thành đầu vào cho nền kinh tế; việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ CNTT, chuyển đổi số trong khu vực công…Đối với Đề án 06, còn một số nhiệm vụ của các bộ, ngành chưa hoàn thành; nhiều hệ thống thông tin chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí an toàn, an ninh mạng.
Đại biểu các sở, ngành dự hội nghị.
Hội nghị đã thảo luận thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển CSDL quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...) và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo bằng nhiều giải pháp về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều việc phải làm, sẽ có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm nếu các bộ, ngành, địa phương không quyết liệt chỉ đạo.
Theo Báo Tuyên Quang