Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Hàm Yên có đồng chí Mai Hồng Hà, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện Uỷ; Nguyễn Duy Hoà, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Đỗ Đức Chiến, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện.
Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Mai Hồng Hà dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Hàm Yên.
Hội nghị đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Duy Hoà cùng các đồng chí đại biểu dự Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” và Kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Sau Hội nghị, các cấp ủy Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Cơ quan, đơn vị, địa phương và từng đảng viên tham dự Hội nghị đều đã hình dung được rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các chủ trương của Trung ương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Tổng Bí thư lưu ý, nhiệm vụ thời gian tới có khối lượng công việc rất lớn và yêu cầu tiến độ chặt chẽ. Do đó, các cấp ủy Đảng cần xác định kế hoạch triển khai cụ thể, đáp ứng 3 yêu cầu quan trọng: Trước hết là xác định quyết tâm chính trị cao nhất – đây là một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách đổi mới để phát triển đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải chỉ đạo quyết liệt, quán triệt sâu sắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng, hành động trong toàn Đảng.
Đồng chí Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Chiến cùng các đồng chí đại biểu dự Hội nghị.
Việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng cần thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội. Mỗi việc làm phải được tính toán kỹ lưỡng, gắn với các nội dung liên quan khác; đồng thời đảm bảo đúng quy định, quy trình, thủ tục và thời gian theo kế hoạch.
Phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt là các mốc thời gian quan trọng: Trước ngày 30/6/2025 hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp, kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để từ ngày 01/7/2025, bộ máy mới chính thức đi vào hoạt động. Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động hoàn thành các nhiệm vụ trước thời hạn quy định, với tinh thần “làm sớm để phát triển sớm”.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, ý kiến của người dân. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, phải được thực hiện đúng quy định, thận trọng, dân chủ, khách quan.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, địa phương cần lưu ý 4 nhiệm vụ trọng tâm:
Việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương là chủ trương có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc nhiều mặt để đi đến quyết định thực hiện chủ trương này với những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Việc xác định tên gọi, vị trí trung tâm chính trị - hành chính sau sắp xếp cần rõ ràng, thống nhất. Cấp xã cũng phải được định hướng lại trên cơ sở tiêu chí hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Việc triển khai chủ trương có thể tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người dân – điều đó là dễ hiểu, bởi hình ảnh quê hương đã in sâu trong tiềm thức mỗi người. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, chúng ta cần thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất nhận thức, vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, vượt qua tâm lý cục bộ địa phương để hướng đến tương lai.
Cần xác định rõ định hướng hệ thống chính trị sau sáp nhập. Đây không chỉ là điều chỉnh hành chính, mà còn là điều chỉnh không gian phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy mới phải gọn hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương phải tinh gọn, gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và tạo động lực phát triển. Việc sắp xếp xã, phường không nên quá lớn hay quá nhỏ – cần nghiên cứu kỹ để có phương án hợp lý.
Toàn cảnh điểm cầu huyện Hàm Yên.
Việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cán bộ, đảng viên. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, việc bố trí vị trí việc làm cần được thực hiện công tâm, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền. Người đứng đầu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, đồng bộ, liên thông trong hệ thống nhân sự các cấp, đảm bảo đúng người, đúng việc.
Tổng Bí thư cũng đề nghị trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp, cần tập trung nhiều hơn nữa vào định hướng phát triển mô hình tăng trưởng mới; xây dựng tầm nhìn cho tỉnh mới, xã/phường mới sau sáp nhập, trên tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng để phát triển.
Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 11 diễn ra trong thời điểm đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều nhiệm vụ lớn đặt ra cùng lúc. Do đó, Tổng Bí thư đề nghị các thành ủy, tỉnh ủy cần quan tâm tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, coi đây là nguồn động viên tinh thần, tạo động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
Ngọc Trinh