Mọi sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh đều trở nên lạc lõng, không thể chấp nhận

02/12/2024 - 20:53
56

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta khẳng định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất không ngừng xuyên tạc, bôi nhọ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là khi Đảng chủ trương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Sự xuyên tạc, bịa đặt thâm độc 

Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch là nhằm “hạ bệ thần tượng”,  thay đổi tình cảm của dân tộc với lãnh tụ Hồ Chí Minh; tạo tâm lý hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào tư tưởng Hồ Chí Minh; sâu xa là nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nên “khoảng trống” về tư tưởng để thực hiện “chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. 

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang, tháng 3-1961. Ảnh tư liệu 

Các đối tượng khi xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh thường tập trung vào: Thứ nhất, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ hai, xuyên tạc những tư tưởng cụ thể trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, chẳng hạn như: Không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, hoặc có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội nhưng chỉ là những lý thuyết giáo điều; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là “tư biện, lý thuyết, ảo tưởng, phi thực tế”... Thứ ba, xuyên tạc về bản chất và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, như: Tư tưởng Hồ Chí Minh là “sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước”; tư tưởng Hồ Chí Minh đã “lỗi thời, lạc hậu”, đề nghị Đảng, Nhà nước Việt Nam cần thay đổi bằng hệ tư tưởng mới...

Để xuyên tạc, xóa bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường lập luận dựa trên những nguồn thông tin không rõ nguồn gốc, những hình ảnh đã photoshop hoặc cắt xén. Hoang đường hơn, chúng còn dựng lên những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, những nhân chứng giả, bằng chứng giả và đưa ra những quy kết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy tính tư biện.

Các thế lực thù địch thường sử dụng các diễn đàn công khai như tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi, phỏng vấn... Đặc biệt, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ của truyền thông, chúng triệt để lợi dụng vùng “lãnh thổ đặc biệt” là không gian mạng với hàng nghìn trang mạng xã hội, trong đó có nhiều trang giả mạo các cá nhân, tổ chức có uy tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh để thu hút người đọc, qua đó lan truyền những nội dung chống phá....

Sự thật là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta kỷ nguyên rực rỡ trong lịch sử vinh quang của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Trong suốt thời gian qua, vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi vẻ vang.

Tình cảm mà nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước dành cho Người là điều không thể phủ nhận. Không những vậy, những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ghi nhận bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), của các chính khách, giới nghiên cứu quốc tế, từ các nước xã hội chủ nghĩa cho đến tư bản chủ nghĩa... Do vậy, mọi sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh đều trở nên lạc lõng, không thể chấp nhận.

Bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Nhận thức về vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người ở vị trí quan trọng. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về nội dung, bản chất và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận thức toàn diện về nội dung, bản chất và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần củng cố niềm tin, trau dồi bản lĩnh chính trị, cung cấp cơ sở luận cứ đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả và sắc bén nhằm làm thất bại những chiêu bài xuyên tạc, bóp méo sự thật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trái lại, nhận thức chưa đúng đắn, toàn diện có thể dẫn tới việc đấu tranh trở nên mơ hồ, thiếu căn cứ, kém hiệu quả. Do vậy, chúng ta cần tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh với những phương pháp, cách thức sáng tạo và phù hợp hơn.

Đổi mới cách thức tổ chức các hội thảo và tọa đàm khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hướng chú trọng đến trao đổi, thảo luận có định hướng, gắn với những vấn đề thực tiễn trong nước và thế giới. Bên cạnh những sản phẩm có tính “hàn lâm”, nghiên cứu chuyên sâu, cần nhiều sản phẩm có tính “thường thức” với cách thể hiện giản dị, ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, nhất là đối với lớp trẻ. 

Giảng dạy về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được coi trọng ở tất cả các cấp. Trường học, các cơ sở đào tạo, nhất là hệ thống trường Đảng cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, khắc phục tư tưởng ngại học, lười học, học mà không vận dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực chất hơn nữa; cần có chế độ kiểm tra, giám sát việc học tập, thưởng-phạt công minh, đưa vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, đảng viên...

Hai là, đẩy mạnh và triển khai các hướng nghiên cứu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nghiên cứu làm sáng rõ những vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là góp phần bảo vệ và phát triển tư tưởng của Người, nhất là khi các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng một số "khoảng trống" trong tư tưởng và tiểu sử Hồ Chí Minh để tuyên truyền xuyên tạc và bịa đặt. Hơn nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng giống như Chủ nghĩa Mác, là một học thuyết mở. Sức sống của một tư tưởng mở nằm ở những chỉ dẫn có tính nguyên lý. Do vậy, trong việc học tập, chúng ta phải bảo đảm nguyên tắc vận dụng sáng tạo và phát triển, bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn trong nước và thế giới hiện nay.

Để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, một số hướng nghiên cứu cần được thực hiện, đó là: Tiếp tục hướng nghiên cứu cơ bản nhằm làm rõ những quan điểm, tư tưởng có giá trị bền vững, phản ánh quy luật vận động của xã hội, tiếp tục “soi đường” cho cách mạng Việt Nam; những quan điểm, tư tưởng trước kia đúng đắn nhưng hiện nay đã bị thực tiễn vượt qua, cần được thay đổi hoặc bổ sung, phát triển; những quan điểm, tư tưởng đúng đắn, phù hợp nhưng chưa được hiểu đúng và đủ, hoặc vận dụng chưa đúng, chưa phù hợp dẫn đến chưa hiệu quả... 

Đẩy mạnh hướng nghiên cứu vận dụng nhằm định hướng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra gắn với các ngành, các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Tiếp tục hướng nghiên cứu nhằm khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, nhất là những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới...

Ba là, nâng cao hiệu quả và kiên quyết đấu tranh phản bác sự xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, cần nhận diện một cách chính xác sự xuyên tạc (âm mưu, thủ đoạn, nội dung, động cơ, hình thức) và mức độ tác động đến xã hội của từng loại xuyên tạc để có phương pháp đấu tranh phù hợp và xử lý một cách kiên quyết. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên-lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh tư tưởng này; duy trì và phát huy tác dụng của các nhóm chuyên gia, các đội xung kích tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những cơ quan nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh vững chắc, cung cấp cứ liệu và tư liệu đầy đủ, lập luận một cách chặt chẽ, logic, bẻ gãy từ gốc sự bịa đặt, sai trái, thù địch, phản động. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh; tích cực kiểm soát có hiệu quả các trang mạng độc hại, chấn chỉnh những phát ngôn thiếu trách nhiệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với những phần tử chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn nữa.

Cùng với đó là xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có tâm, có tầm, có đức, có tài, thực sự tiêu biểu về mọi mặt, luôn tiên phong, gương mẫu trong công tác, góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”. Mọi sự xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được kiên quyết đấu tranh loại bỏ. 

Tiến sĩ TRẦN THỊ HỢI, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

bình luận

Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang