Kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Hàm Yên

24/07/2024 - 14:53
98

Ngày 24/7, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án cơ lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn huyện Hàm Yên. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đỗ Văn Hòa, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện đã tập trung thực hiện, cơ cấu các sản phẩm trong nông nghiệp đã được định hình tương đối rõ nét; hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp từng bước được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gần sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được chú trọng thực hiện, cơ bản mỗi địa phương đã xác định và lựa chọn sản phẩm đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế mô hình tại cơ sở.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất.  Những mô hình, điểm sản xuất điển hình, tiên tiến như: Mô hình sản xuất Thanh Long gắn với du lịch nông nghiệp hộ ông Đỗ Văn Hưng, xã Yên Phú; mô hình nuôi vịt bầu Minh Hương của HTX Vịt bầu Hàm Yên, xã Minh Hương; mô hình trồng chanh tứ quý của hộ gia đình ông Cao Văn Chung, xã Yên Phú...

Thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện đã đưa cây giống lâm nghiệp chất lượng cao vào sản xuất, chuyển đổi một số diện tích rừng từ sản xuất gỗ nhỏ sang rừng sản xuất gỗ lớn; diện tích rừng được chứng nhận sản xuất rừng bền vững FSC đã làm tăng năng suất, giá trị kinh tế sản xuất lâm nghiệp.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh triển khai các nội dung tại buổi kiểm tra.

Dự kiến đến hết năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 3.006 tỷ đồng tăng 3,8% so với năm 2023, đạt 97,1% so với mục tiêu 2025.

Huyện đã quan tâm việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Trên địa bàn hiện có 73 hợp tác xã nông nghiệp; có 35 HTX tham gia sản xuất hàng hóa, trong đó có 28 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị.

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm hỗ trợ. Đã xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm nông sản: 01 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (Cam sành Hàm Yên); 11 sản phẩm có nhãn hiệu tập thể; đang thực hiện xây dựng nhãn hiệu cho 15 sản phẩm.

Kết quả thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa năm 2024. Tổng kinh phí kế hoạch giao: 14 tỷ 450 triệu đồng. Kinh phí đã hỗ trợ trên 5 tỷ 307 triệu đồng, đạt 36,7% KH vốn. Trong đó: Hỗ trợ lãi suất trên 1 tỷ 661 triệu đồng. Hỗ trợ ghép cải tạo giống cây ăn quả: 329,8 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: 3 tỷ 232 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch: 84 triệu đồng/1 sản phẩm. Hỗ trợ Chương trình OCOP: 74 triệu đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Văn Hoà phát biểu trao đổi cùng đoàn kiểm tra.

Tại buổi làm việc các phòng ban cơ quan đơn vị cũng như các chi cục thuộc Sở NN & PTNT tỉnh đã cùng nhau thảo luận về những khó khăn, tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án, đặc biệt là một số vùng trồng cây chủ lực đang giảm diện tích, các hộ tham gia dự án chưa thực sự chủ động thực hiện, các sản phẩm OCOP còn hạn chế, một số cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...

Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh đã trao đổi thống nhất các ý kiến, đồng thời đề nghị huyện Hàm Yên cần tiếp tục triển khai có hiệu quả, lựa chọn những cây, con đảm bảo chất lượng và có hiệu quả cao để thực hiện mô hình, nhân rộng tại các địa phương, huyện cần phối hợp chặt chẽ với các Chi cục để phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm phát triển sản phẩm OCOP, sản xuất các sản phẩm hữu cơ và VietGap; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gần sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…/.

Tin, ảnh: Tuấn Tú

bình luận

Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang