Các trò chơi, trò diễn dân gian là nguồn tài nguyên cho du lịch

21/04/2025 - 08:26
26

Không chỉ chứa đựng ký ức về làng quê, các trò chơi, trò diễn dân gian còn là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần làm nên bản sắc cho từng vùng miền trên dải đất hình chữ S. Trong bối cảnh nhu cầu trải nghiệm văn hóa địa phương của du khách ngày càng cao, việc khai thác những di sản dân gian này được xem là hướng đi giúp đa dạng hóa sản phẩm và tạo điểm nhấn cho các điểm đến.

Kéo co ngồi trong Lễ hội đền Trấn Vũ (Long Biên, Hà Nội) thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, du khách. (Ảnh: LÊ THANH)
Kéo co ngồi trong Lễ hội đền Trấn Vũ (Long Biên, Hà Nội) thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, du khách. (Ảnh: LÊ THANH)

Nguồn lực văn hóa giàu tiềm năng

Được nhân dân sáng tạo và lưu truyền từ đời này sang đời khác, các trò chơi, trò diễn dân gian là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các di sản dân gian này là sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần soi chiếu dấu ấn văn hóa của từng vùng đất. Với sự góp mặt của 54 dân tộc anh em, Việt Nam sở hữu kho tàng trò chơi, trò diễn dân gian phong phú, độc đáo, từ chọi gà, kéo co ngồi, múa rối nước… ở miền bắc; đập nồi đất bịt mắt, bài chòi… ở miền trung; đến đánh khăng, bịt mắt bắt dê, hát bội… ở miền nam.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng có khoảng 60 trò chơi, trò diễn dân gian, phổ biến. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp cận đúng cách, những “đặc sản” văn hóa này sẽ trở thành nguồn tài nguyên để xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, góp phần nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách, khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến và bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Thời gian qua, đã có một số trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng của các địa phương được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Như tại Hội An, các trò hô hát bài chòi, bịt mắt đập nồi trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn thu hút đông đảo du khách. Còn ở Hà Nội, múa rối nước được coi như trải nghiệm không thể thiếu trong lịch trình tour của khách quốc tế; tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã tái hiện những không gian để người dân, du khách có thể tham gia các trò chơi như kéo co, ô ăn quan, nhảy dây… Hay tại Đồng Nai, những trò chơi như kéo co, đi cà kheo… được lồng gắn khéo léo cùng hoạt động du lịch dã ngoại của các doanh nghiệp, trường học...

Nếu tiếp cận đúng cách, những “đặc sản” văn hóa này sẽ trở thành nguồn tài nguyên để xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch của các trò chơi, trò diễn dân gian Việt Nam nhìn chung vẫn chưa được phát huy xứng tầm. Thạc sĩ Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Hiện các trò chơi, trò diễn dân gian tại các tỉnh, thành phố chưa được thống kê một cách chính xác, đầy đủ; đang tồn tại “khoảng trống” lớn trong công tác quảng bá, giới thiệu về các di sản dân gian này.

Tham dự các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến lớn về du lịch, thông tin về trò chơi, trò diễn dân gian ít khi được các địa phương đề cập; nội dung mô tả sản phẩm du lịch văn hóa được các hãng lữ hành khai thác cũng chỉ tập trung giới thiệu lễ hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Chưa kể, dù rất đa dạng nhưng không ít trò bị trùng lặp giữa các địa phương, nhiều trò thường chỉ diễn ra tại lễ hội truyền thống hay một số dịp đặc biệt, nên cũng gây khó cho việc đưa vào lịch trình du lịch thường xuyên.

Chuyên nghiệp hóa trong khai thác

Trên thực tế, không phải trò chơi, trò diễn nào cũng có thể đưa vào khai thác du lịch. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thùy Vân, các địa phương, điểm đến trước tiên cần có thống kê đầy đủ về hệ thống trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn, từ đó lựa chọn những loại hình có khả năng đưa vào phát triển du lịch, dựa trên việc đáp ứng các tiêu chí về: Giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn, thẩm mỹ, giải trí…; có cơ sở hạ tầng tổ chức thuận lợi; có sự hỗ trợ, đồng thuận của chính quyền, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương; bảo đảm tính an toàn, bền vững.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành để xây dựng chương trình phù hợp, có thể là các tour chuyên đề trải nghiệm trò chơi, trò diễn dân gian, hoặc lồng gắn vào tour du lịch văn hóa, du lịch nông thôn; khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động du lịch và đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong vùng để phát triển các tuyến du lịch đặc sắc.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần nhận diện, kiểm kê các trò chơi, trò diễn dân gian ở từng địa phương nhằm loại bỏ những yếu tố ngoại lai, tìm ra những trò đặc trưng, tiêu biểu của điểm đến, giúp tránh sự trùng lặp khi khai thác du lịch. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng địa phương. Ngoài ra, không phải cứ đưa khách đến các không gian có trò chơi, trò diễn dân gian để khách tìm hiểu là xong, mà cần tổ chức thành những chương trình chuyên nghiệp; tìm cách giới thiệu, diễn giải về giá trị, ý nghĩa cho du khách, cao hơn là giúp du khách có thể tương tác và trải nghiệm.

Khi du khách đến từ nhiều vùng, miền được kết nối trong cùng một biểu đạt văn hóa sẽ cảm thấy gần gũi, gắn bó hơn với mảnh đất họ đặt chân tới.

Khi du khách đến từ nhiều vùng, miền được kết nối trong cùng một biểu đạt văn hóa sẽ cảm thấy gần gũi, gắn bó hơn với mảnh đất họ đặt chân tới. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cũng cho rằng, cần phát huy yếu tố sáng tạo, sao cho chuyển tải được các thông điệp văn hóa để biến giá trị của những trò chơi, trò diễn dân gian thành sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tại Hàn Quốc, một số trò chơi dân gian như đá túi chân, bập bênh, đấu vật truyền thống… đã được khai thác thành công, một phần nhờ chính phủ nước này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp như chỉ định các trò chơi dân gian và địa điểm tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trải nghiệm; tài trợ, hỗ trợ các cộng đồng địa phương tổ chức các lễ hội, triển lãm tập trung vào các trò chơi này.

Hay tại Indonesia, để các trò chơi, trò diễn dân gian như cầu mây, múa rối bóng… trở thành điểm nhấn văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch, các tổ chức văn hóa, hội đồng du lịch và cộng đồng địa phương nước này đã phối hợp để quảng bá qua các lễ hội, triển lãm, hội nghị, không gian biểu diễn. Chính phủ Indonesia cũng tài trợ kinh phí để tổ chức các cuộc biểu diễn với ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa… Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi để biến tiềm năng từ trò chơi, trò diễn dân gian thành tài nguyên du lịch đặc sắc.

Theo Baonhandan

bình luận

Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang