''Thủ phủ'' lò gạch thủ công không còn đỏ lửa

Đứng trên cầu Bợ nhìn về phía An Lâm, xã Thái Sơn (Hàm Yên) không còn thấy nghi ngút khói nhả ra từ những lò gạch thủ công. Sự bình yên đã trở lại, đất đai hồi sinh sự sống với những cây vườn lên xanh tốt. Dẫu còn khó khăn do bắt đầu với công việc mới, nghề mới nhưng lòng dân nơi này đã đồng thuận phá bỏ những lò gạch thủ công gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

 

Nhận trách nhiệm

Từ cuối năm 2013 thực hiện quyết định của UBND tỉnh về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên đã quyết liệt vào cuộc, xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên đây là vấn đề nan giải bởi liên quan đến việc làm, mưu sinh của người dân. Toàn huyện có 98 lò gạch thủ công thì riêng xã Thái Sơn có đến 77 lò đều tập trung ở thôn An Lâm. Nghề sản xuất gạch đã nuôi sống bao người dân An Lâm nên việc chấm dứt sản xuất tại các lò gạch thủ công ở Thái Sơn khó khăn hơn. Khó khăn chất chồng, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, vận động tháo bỏ lò gạch thủ công nhưng vẫn "lực bất tòng tâm", là bởi tất cả gánh mưu sinh của bà con đều nằm ở... lò gạch.


Diện tích đất của gia đình anh Trần Văn Hảo, thôn An Lâm, xã Thái Sơn trước đây là lò gạch thủ công nay là được trồng thanh long.

Thực hiện nhiệm vụ "đặt hàng" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi mới "nhậm chức", đồng chí Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện vào cuộc với nhiều cách làm sáng tạo nhưng điểm nhấn là việc tăng cường đối thoại với người dân. Ngày 3-12-2019, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện xóa bỏ các lò gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn. Các tổ công tác được thành lập để trực tiếp giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của người dân làm nghề sản xuất gạch nung. Ở các địa phương khác việc này đơn giản hơn vì có ít lò gạch, còn ở Thái Sơn thì đó là bài toán nan giải khi có đến 1.000 lao động địa phương làm gạch. Làm gì để ổn định đời sống cho người lao động sau khi giải tỏa lò gạch? Vấn đề ở chỗ đó, không phải người dân chống đối mà cốt lõi vẫn là "nồi cơm" của dân. Đây là trách nhiệm của chính quyền, Chủ tịch Thơ khẳng định.

Ngoài các buổi tuyên truyền, vận động của xã, huyện, đích thân Chủ tịch UBND huyện Đinh Công Thơ về thôn An Lâm gặp gỡ, trò chuyện với người dân để nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông Thơ trực tiếp vận động các chủ lò gạch là đảng viên tháo dỡ lò để làm gương cho người dân. Huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/lò cho các hộ tháo dỡ. Các chủ lò gạch thủ công được khuyến khích tận dụng mặt bằng lò gạch cũ chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại. Những chủ lò gạch còn tồn đất để sản xuất gạch, huyện đã liên hệ với nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty Thanh Giang đóng trên địa bàn mua lại. Bản thân đồng chí Đinh Công Thơ và lãnh đạo huyện đã trực tiếp làm việc với Công ty TNHH sản xuất Giày CHUNG JEY tại xã Tân Thành ưu tiên tuyển dụng và tạo việc làm cho lao động ở An Lâm.

Đến hết tháng 5 vừa qua, toàn bộ các chủ lò gạch thủ công ở An Lâm, xã Thái Sơn đã dừng hoạt động và tự nguyện tháo dỡ vỏ lò. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng thanh long, bưởi, cam, chè, mía, chăn nuôi trâu, bò sinh sản... Bà Nguyễn Thị Hà, thôn An Lâm, người đã có 15 năm gắn bó với nghề nung gạch đã tự nguyện tháo dỡ vỏ lò mấy hôm rồi. Bà bảo, nghề này vất vả, lại ảnh hưởng đến môi trường sống, nhưng thực tình cũng chả biết làm gì nữa nên phải cố mà làm thôi. Lò gạch của gia đình tạo việc làm cho 8 lao động; mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Thu nhập như vậy không phải là cao nhưng ổn định trong bao năm rồi, nên khi phá dỡ lò gạch, bà cũng thấy lúng túng. Năm nay bà ngoài 50 tuổi rồi, khởi nghiệp ở tuổi này thì vất vả nhưng vì việc chung, vì tương lai con trẻ, bà sẽ cố gắng.

Những băn khoăn lo lắng của bà Hà cũng là nỗi niềm của bà con sản xuất gạch ở An Lâm, Thái Sơn. Tuy nhiên, những điều này đã được chính quyền xã, huyện dự liệu để ổn định đời sống nhân dân sau khi dỡ bỏ lò gạch thủ công. Chủ tịch UBND xã Bùi Mạnh Hùng cho biết, việc hoàn thổ và cải tạo đất để phát triển cây trồng, vật nuôi đang được chính quyền xã triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, tư vấn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hướng dẫn, tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất và vay vốn để các hộ bắt tay vào nghề mới, ổn định đời sống.

“Đất chết” đang hồi sinh

Đến thôn An Lâm dịp này, những bãi đất trước đây là các lò gạch thủ công nghi ngút khói, những ao sâu, hủm nước, gạch vụn nay được người dân san gạt, cải tạo để trồng cây ăn quả, cây màu. Việc sản xuất gạch thủ công ở An Lâm đã làm cho đất “chết” dần, giờ đây người dân trong thôn đang tích cực trả lại sự sống cho đất.


Ngừng sản xuất gạch thủ công, gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn An Lâm, xã Thái Sơn phát triển chăn nuôi trâu sinh sản.

Trưởng thôn An Lâm Trần Văn Nam là người đầu tiên trong thôn tự tháo dỡ 2 lò gạch của gia đình để làm gương cho các hộ khác làm theo. Các con ông trước làm lò gạch cùng ông, giờ được ông vận động đi làm công nhân tại một số nhà máy trong tỉnh. Ông thuê máy ủi san gạt đất, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trồng chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những gốc bưởi, cam, chè tuy vừa mới trồng đã lên màu xanh tốt.

Gần 10 năm làm gạch, giờ đây anh Trần Văn Hảo, thôn An Lâm đang cải tạo, phục hồi lại sự sống cho đất. Khu đất gần 2.000 m2 đất sản xuất gạch, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước là 5 triệu đồng để tháo dỡ vỏ lò, anh đã đầu tư hơn 30 triệu đồng san phẳng mặt bằng, mua cây giống trồng thanh long, trồng bưởi và một số cây trồng khác. Vườn thanh long mới trồng được 6 tháng, nay đã vươn cao rồi. Anh mong muốn, Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí cho nhân dân trong việc tháo dỡ, san gạt mặt bằng; triển khai các chương trình hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ của 2 lò gạch thủ công đã dừng hoạt động đang tất bật trồng cỏ voi để nuôi trâu. Mồ hôi rịn ra nhưng gương mặt ông rạng rỡ. Ông bảo, chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của chính quyền địa phương là đúng nên ông tự nguyện thực hiện. Hiện, ông Dũng đang nuôi 15 con trâu sinh sản và thương phẩm, trồng cây ăn quả và trồng 2 ha rừng. Khi chuyển đổi nghề, ông được xã, huyện hướng dẫn làm giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Đây cũng là cơ hội để ông tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế trang trại. Hiện, ông Dũng còn liên kết các hộ dân An Lâm phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, hướng tới thành lập Hợp tác xã giúp nhau phát triển kinh tế.

Đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết, để hỗ trợ người dân An Lâm chuyển đổi nghề, UBND xã làm việc với Trung tâm Dạy nghề của huyện hỗ trợ người dân học nghề theo nhu cầu. Trong xã hiện có hơn 100 lao động ở thôn An Lâm đã đi làm công nhân tại Công ty TNHH sản xuất Giày CHUNG JEY, các công ty, doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh và một số ít lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hiện đã có hơn chục chủ lò gạch hoàn thành việc cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng trọt và chăn nuôi. Các chủ lò còn lại tập trung bán nốt phần gạch tồn chuẩn bị san gạt mặt bằng…

Dẫu còn đó nhiều khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng khi lòng dân đồng thuận thì những khó khăn đó sẽ được hóa giải. Nhìn những người nông dân trước đây chỉ biết đưa gạch vào lò, nay ủ phân cải tạo đất trồng cây, lại nhớ câu thơ trong bài thơ Bài ca vỡ đất "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục