Cuộc sống mới của người Mông ở Minh Hương

Nhiều hộ người Mông ở xã Minh Hương (Hàm Yên) trước đây quen với tập quán du canh, du cư. Bởi vậy chưa thực sự an cư lạc nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của người Mông ở Minh Hương đã vơi bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

 

Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo

Trên con đường từ trung tâm xã đến các thôn 5, 6, 7, 8 Minh Tiến, những ngôi nhà mới lợp mái tôn xanh của các hộ gia đình người Mông nằm san sát nhau, làm cho diện mạo nông thôn tăng thêm những gam màu sáng. Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Bình là người Tày nhưng nói tiếng Mông rất thành thạo. Sau khi được học lớp tiếng Mông từ những năm trước dành cho cán bộ chủ chốt cấp xã, nhờ thường xuyên xuống với nhân dân, gần gũi để vừa vận động người Mông vừa học tiếng của người Mông nên vốn từ dân tộc Mông của Chủ tịch Bình ngày càng trở nên phong phú. Anh vừa nói được và cũng nghe hiểu được người Mông nói gì. Bởi vậy khi đi thăm và nắm tiến độ làm nhà ở của một số hộ người Mông vừa được hỗ trợ tiền của Bộ Công an, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chủ tịch Bình được người Mông thẳng thắn bày tỏ mong muốn và nguyện vọng trong quá trình làm nhà. Anh Bình chia sẻ: “Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là quyết tâm giảm tỷ lệ hộ người Mông nghèo đòi hỏi những cán bộ như mình phải nói, nghe thành thạo tiếng Mông”.

Hộ anh Lý Văn Sinh, thôn 7 Minh Tiến, xã Minh Hương được hỗ trợ bò sinh sản, tạo sinh kế thoát nghèo.

Người Mông ở Minh Hương tập trung nhiều nhất ở các thôn 5, 6, 7, 8 Minh Tiến với tổng số 265 hộ. Theo Chủ tịch Bình, những năm trước đây, người Mông ở các thôn này chủ yếu sống trên nương rẫy. Bởi vậy, cuộc sống chưa thực sự ổn định. Từ năm 2021 đến nay, nhằm hỗ trợ người Mông ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên và xã Minh Hương đã tập trung triển khai hỗ trợ người Mông làm nhà ở, hỗ trợ bò sinh sản. Nguồn tiền hỗ trợ từ Bộ Công an, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Năm 2021, trên địa bàn xã có 17 hộ người Mông được hỗ trợ làm nhà mới. Năm nay có 2 hộ người Mông được hỗ trợ đang triển khai làm nhà ở và có 11 hộ người Mông được hỗ trợ bò sinh sản. Mỗi hộ người Mông được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở mới. Bò sinh sản được hỗ trợ cho vay luân chuyển bò mẹ sau khi sinh sản được bò con.

Xã Minh Hương phấn đấu đến hết năm 2023, không còn hộ người Mông phải ở trong nhà tạm và phấn đấu giảm 50% tỷ lệ hộ người Mông nghèo. Thực hiện Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, Minh Hương đề ra mục tiêu đến năm 2023 sẽ bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, trong đó thôn 1 Minh Tiến sẽ hoàn thành bê tông hóa 1,5 km, thôn 6 Minh Tiến sẽ bê tông hóa 1,5 km, thôn 8 Minh Tiến sẽ bê tông hóa 300 mét đường bê tông nông thôn. Cùng với đó, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Minh Hương sẽ tập trung hỗ trợ người Mông được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất.

Hiện thực ước mơ

Bao đời nay, nhiều người Mông ở Minh Hương mơ ước có ngôi nhà mới, không phải sống trên nương rẫy. Ước mơ đó nay đã trở thành hiện thực. Chị Lương Thị Thía, thôn 8 Minh Tiến biết có khách đến chơi nhà liền phóng vội chiếc xe máy từ quán xay xát về, sau lưng vẫn địu một cháu nhỏ. Chị Thía chưa đến 30 tuổi nhưng phải nuôi 3 con nhỏ. Cuộc sống vất vả nên dù có tiết kiệm cũng không đủ tiền để làm nhà. Trước đây, vợ chồng chị và 3 đứa con nhỏ thường bỏ lại ngôi nhà đất để lên nương ở, vừa trồng ngô vừa chăn nuôi lợn. Năm 2021, gia đình chị được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở mới cùng với số tiền tích cóp được, các đoàn thể xã, thôn và lực lượng dân quân xã hỗ trợ ngày công lao động, nhờ vậy, gia đình chị đến nay đã được ở trong ngôi nhà mới. Chị Thía chia sẻ: “Từ khi được Nhà nước hỗ trợ ngôi nhà mới, vợ chồng mình thấy cuộc sống ổn định hơn rất nhiều, có động lực để làm ăn hơn. Giờ chỉ có chồng mình lên nương làm ngô thôi. Mình ở nhà nuôi lợn, gà và chăm sóc 3 đứa trẻ”.

Ngôi nhà mới của anh Hoàng Văn Nó, thôn 7 Minh Tiến, xã Minh Hương được Bộ Công an hỗ trợ 50 triệu đồng năm 2021.

Cách nhà chị Thía không xa, gia đình ông Sùng Văn Câu cũng đang chuẩn bị các khâu để xây tường cho ngôi nhà mới. Gia đình ông Câu có 11 nhân khẩu, 3 thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà khoảng 50 m2. Vợ ông Câu mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, bao năm qua dù sống trong cảnh nhà chật chội nhưng gia đình ông Câu cũng không có đủ tiền để làm nhà ở mới. Gia đình ông vừa được hỗ trợ tiền làm nhà ở mới, vừa được hỗ trợ một con bò sinh sản, ông Câu vui lắm.

Đồng chí Phạm Thị Duyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8 Minh Tiến cho biết, những hộ nghèo là dân tộc Mông sau khi được hỗ trợ tiền làm nhà ở và bò sinh sản đã có ý thức và nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất. Bò sinh sản hỗ trợ được người Mông chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc cẩn thận. Nhiều hộ người Mông trước đây chủ yếu sống trên nương rẫy nay có nhà ở mới đã ở nhà để tập trung chỉnh trang nhà cửa, chăn nuôi, trồng trọt.  Đây là tín hiệu đáng mừng mở ra cuộc sống mới của người Mông nơi đây.

Hai anh em Lý Văn Sinh và Hoàng Văn Nó, thôn 7 Minh Tiến được hỗ trợ làm nhà ở mới năm 2021 và mới đây được hỗ trợ một con bò sinh sản. Anh Nó phấn khởi cho biết, trước đây nhà anh Nó lợp lá cọ nhưng đã dột nát. Thu nhập chủ yếu từ trồng lúa và ngô. Vợ chồng anh cùng hai người con cũng thường xuyên ở lán trên nương, ít khi về nhà. Từ khi có ngôi nhà mới do Bộ Công an hỗ trợ tiền, chính quyền xã, thôn hỗ trợ ngày công lao động để vận chuyển vật liệu, san nền, đào móng… đến nay, ngoài làm nương, vợ chồng anh Nó còn tranh thủ đi làm thuê. Nhờ đó, vợ chồng anh Nó đã sắm sửa được nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và có tiền cho con cái đi học hành đều đặn. Anh Nó bày tỏ: “Từ khi có ngôi nhà mới, mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”.

Làm nhà là việc quan trọng nhất của đời người. Những hộ nghèo là người Mông ở Minh Hương giờ đây đã có ngôi nhà mới như mong ước từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. Niềm vui này sẽ là động lực để người Mông vươn lên thoát nghèo. Người Mông ở Minh Hương mong muốn tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm để người Mông được tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống thực sự ấm no.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục