Nguyễn Tiến Minh bình thản khi mất ngôi số một Việt Nam

Quan niệm "tre già thì măng mọc", tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh không bất ngờ khi mất vị trí số một trong làng cầu lông việt Nam sau 21 năm.

 

Nguyễn Tiến Minh nắm giữ kỷ lục với 21 năm là số một của cầu lông Việt Nam.

Nguyễn Tiến Minh, sinh năm 1983 ở TP HCM, là tay vợt thành công nhất lịch sử cầu lông Việt Nam.

- Theo bảng thứ tự của Liên đoàn Cầu lông Thế giới hôm 14/3, Nguyễn Hải Đăng leo năm bậc lên 163 thế giới, còn Nguyễn Tiến Minh xuống thứ 165. Điều đó giúp Hải Đăng trở thành tay vợt đơn nam số một Việt Nam - vị trí Tiến Minh đã nắm giữ suốt 21 năm. Anh nghĩ sao về sự đổi ngôi này?

- Tôi không bất ngờ. Việc Hải Đăng hay bất cứ một tay vợt nào khác vượt qua tôi để trở thành số một Việt Nam cũng như chuyện "tre già măng mọc" thôi. Bởi các bạn ấy còn trẻ, sung sức và thi đấu quốc tế nhiều nên tích luỹ được điểm số để thăng hạng. Đối với tôi lúc này, thứ hạng không quan trọng nữa. Còn cầm được vợt ngày nào là hạnh phúc ngày đó rồi.

- Vậy 21 năm qua, vị trí "tay vợt số một Việt Nam" có ý nghĩa thế nào với anh?

- Tôi thi đấu quốc tế từ 2002, khi đó chỉ đứng thứ 252, nhưng đã là số một Việt Nam. Sau đó, có lúc tôi leo lên thứ năm thế giới, chỉ sau Lee Chong Wei, Peter Gade, Taufik Hidayat và Boonsak Ponsana. Khi đó, tôi đứng trên cả những cựu vô địch Olympic và thế giới như Lin Dan hay Chen Long.

Đó là một chặng đường dài, mang nhiều vinh dự nhưng cũng áp lực. Nhiều khi, tôi ra sân không sợ thua mà sợ phụ sự kỳ vọng của mọi người. Bởi vậy, tôi luôn cảm thấy phải có trách nhiệm thi đấu tốt nhất có thể. Đó là động lực buộc tôi chăm chỉ tập luyện, cố gắng thi đấu tốt nhất để giành chiến thắng. Nếu thua, cũng thua làm sao cho mọi người thấy mình đã cố gắng hết sức. Càng áp lực, tôi càng nỗ lực nhiều hơn.

- Anh đánh giá thế nào về Nguyễn Hải Đăng?

- Đó là một tài năng của cầu lông Việt Nam hiện tại, nhưng cũng cần có nhiều điều phải cải thiện. Hải Đăng có nhiều tố chất, chơi tay trái dạng hiếm, cảm giác cầu tốt, thông minh và có những cú đánh sắc bén hơn cả tôi. Tuy nhiên, Hải Đăng còn yếu thể lực, tốc độ và sự lỳ lợm. Thể hình nhỏ cũng là một thiệt thòi so với các đối thủ thế giới. Điều Hải Đăng cần lúc này là một đối tác giỏi để tập luyện cùng, thúc đẩy bản thân vượt lên.

- Anh kỳ vọng gì vào người "kế nhiệm" này?

- Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào Hải Đăng, nhưng trong thể thao, không nói trước điều gì. Khi đã lên đỉnh cao, bạn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro về chấn thương, mất phong độ... Do đó, bạn phải không ngừng cố gắng để vượt qua. Hải Đăng đang chơi tốt nhưng cũng cần thời gian để trở thành tay vợt hàng đầu. Tôi tin, nếu bản thân nỗ lực và có định hướng đúng đắn, cậu ấy sẽ làm được.

- Vậy kế hoạch tương lai của anh là gì?

- Tôi đã 40 tuổi, nhưng chưa xác định giải nghệ. Tôi cảm thấy vẫn có thể chơi cầu lông đỉnh cao, và hạnh phúc khi còn có cơ hội tranh tài với những VĐV hàng đầu thế giới. Tôi đang tập luyện để chuẩn bị dự giải cầu lông quốc tế Ciputra HaNoi – Yonex Sunrise 2023 từ ngày 21/3 đến 26/3. Sau đó tôi dự giải vô địch quốc gia vào tháng 8 tại Bắc Giang.

Tiến Minh từng đoạt HC đồng thế giới năm 2013 và châu Á năm 2019. Anh từng 11 năm liền vô địch quốc gia giai đoạn 2002-2013, và chuỗi này chấm dứt chỉ vì không dự giải năm 2014.

Tiến Minh đang giữ kỷ lục thế giới 13 lần dự World Championships, từng được BWF khen vì "sự bền bỉ" cho cầu lông.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục