Trung Quốc tăng cường nghiên cứu cơ bản trước sự bủa vây công nghệ của nước ngoài

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự chủ công nghệ và yêu cầu nước này tăng cường nghiên cứu cơ bản, trong bối cảnh cạnh tranh về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt.

Đây là lần thứ hai chỉ trong khoảng một tháng qua lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến vấn đề tự chủ công nghệ.

Phát biểu tại phiên nghiên cứu chung thứ ba về tăng cường nghiên cứu cơ bản của Bộ Chính trị tổ chức chiều 21/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, tăng cường nghiên cứu cơ bản là yêu cầu cấp thiết để đạt được tự lực tự cường khoa học công nghệ trình độ cao và là con đường tất yếu để xây dựng cường quốc khoa học công nghệ thế giới.

Ông yêu cầu các cấp ủy đảng và chính quyền nước này đưa nghiên cứu cơ bản vào chương trình quan trọng của công tác khoa học công nghệ, tăng cường điều phối tổng thể, mở rộng hỗ trợ chính sách, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản phát triển chất lượng cao.

 

Cách đây chưa đầy một tháng, vào ngày 31/1, tại phiên nghiên cứu chung thứ hai về đẩy nhanh thiết lập mô hình phát triển mới, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc cần tiến nhanh hơn tới sự tự lực tự cường về khoa học công nghệ nhằm giải tỏa sự siết chặt kìm hãm của nước ngoài trong quá trình nước này phát triển các công nghệ cốt lõi.

Trong phiên nghiên cứu chung thứ 3, ông lưu ý sự chuyển hướng cạnh tranh công nghệ toàn cầu sang nghiên cứu cơ bản và kêu gọi nhiều nỗ lực hơn trong tăng cường nghiên cứu cơ bản và giải quyết các vấn đề công nghệ cốt lõi từ gốc. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường bố cục hướng tới tương lai, chiến lược và có hệ thống trong nghiên cứu cơ bản, đi sâu cải cách thể chế và cơ chế nghiên cứu cơ bản, thiết lập một mạng lưới nghiên cứu cơ bản lớn mạnh với một hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia và trung tâm nghiên cứu về các ngành khoa học cơ bản, đồng thời xây dựng một nền tảng đào tạo nhân tài nghiên cứu cơ bản có hệ thống và trình độ cao.

Các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với một chiến dịch bủa vây của Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, với các động thái như cấm xuất khẩu các linh kiện công nghệ tiên tiến hay cấm bán thiết bị sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc.

Theo dữ liệu mới nhất công bố ngày 20/2 tại một sự kiện của Bộ Khoa học Công nghệ và Cục Thống kê Quốc gia nước này, năm 2022, tổng chi tiêu nội địa cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc đạt 3.090 tỷ nhân dân tệ (449 tỷ USD), lần đầu tiên vượt mốc 3.000 tỷ, tiếp tục đứng thứ 2 thế giới. Trong đó, chi cho nghiên cứu cơ bản đạt 195,1 tỷ nhân dân tệ, cao gấp 3,9 lần so với năm 2012, chiếm 6,32% tổng chi tiêu R&D hàng năm.

Ngoài các phòng thí nghiệm quốc gia, viện nghiên cứu và trường đại học, số lượng các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2021, số các công ty này đã tăng từ 49.000 năm 2012 lên 330.000 năm 2021. Trong năm 2021, 683 công ty Trung Quốc lọt vào danh sách 2.500 công ty đầu tư R&D hàng đầu thế giới. Nước này cũng cho ra đời nhiều công ty có tầm ảnh hưởng quốc tế trong các lĩnh vực máy bay không người lái, thương mại điện tử, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thông tin di động./.

Tin cùng chuyên mục