Loạt vụ nổ có thể phơi bày lỗ hổng lưới phòng không Nga

Nga cáo buộc Ukraine triển khai UAV tấn công hai căn cứ không quân chiến lược, nhưng động thái này cũng thừa nhận lưới phòng không của họ có vấn đề.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/12 triệu tập cuộc họp với Hội đồng An ninh để thảo luận biện pháp đảm bảo "an ninh nội địa" cho đất nước. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho hay giới chức Nga đang triển khai các biện pháp "cần thiết" để bảo vệ nước này khỏi các đợt tập kích của Ukraine.

Các động thái tăng cường cảnh giác được thực hiện sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/12 cáo buộc Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) từ thời Liên Xô tập kích hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels, nơi tập kết nhiều oanh tạc cơ chiến lược ở sâu trong nội địa. Nga gọi đây là "hành vi khủng bố" và phóng tên lửa nhằm vào 17 mục tiêu ở Ukraine để trả đũa.

Một ngày sau, Roman Starovoit, tỉnh trưởng tỉnh Kursk, miền tây Nga, cho hay một UAV chưa rõ nguồn gốc cũng tấn công sân bay địa phương, khiến một bể chứa dầu bốc cháy.

Khói bốc lên từ sân bay Kursk của Nga hôm 6/12. Ảnh: AP.

Khói bốc lên từ sân bay Kursk của Nga hôm 6/12. Ảnh: AP.

Ukraine chưa bình luận về thông tin các cuộc tập kích mà Nga đưa ra. Giới chức Kiev trước đó cũng không nhận trách nhiệm về những vụ nổ tương tự từng xảy ra ở các địa phương phía tây Nga, giáp biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hai vụ nổ ở căn cứ không quân Dyagilevo và Engels lần này nghiêm trọng hơn nhiều, bởi chúng nằm khá gần với thủ đô Moskva và cách biên giới Ukraine 500-700 km.

Đây là nơi Nga tập kết các oanh tạc cơ chiến lược có thể phóng tên lửa thông thường tập kích cơ sở hạ tầng Ukraine, nhưng hoàn toàn có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đóng vai trò quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược Nga.

Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định các vụ nổ đã bộc lộ những lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng không Nga và gửi một tín hiệu tới Moskva rằng những khí tài chiến lược của nước này ở xa vùng chiến sự tại Ukraine không hoàn toàn an toàn.

Bộ Quốc phòng Anh đánh giá "khi Nga nhận định các vụ nổ vừa qua là những cuộc tấn công có chủ ý, chúng có lẽ là một trong những thất bại quan trọng nhất về mặt chiến lược của lực lượng phòng không nước này kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine".

Vị trí hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels của Nga. Đồ họa: AP.

Vị trí hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels của Nga. Đồ họa: AP.

Nếu các cuộc tấn công thực sự bắt nguồn từ Ukraine, không rõ họ đã thực hiện chúng như thế nào, loại UAV nào được sử dụng và liệu chúng được phóng từ lãnh thổ Ukraine hay bên trong Nga với trợ giúp từ các đội tác chiến đặc biệt gần mục tiêu hơn hay không. Nhiều chuyên gia quân sự cũng cảm thấy bối rối, không thể lý giải việc UAV có thể né tránh hệ thống phòng không đa tầng của Nga.

"Nga lâu nay vẫn tự hào về khả năng sẵn sàng đối phó với một cuộc tập kích bất ngờ của NATO nhờ sở hữu nhiều khí tài phòng không và vũ khí dẫn đường chính xác. Vì thế, trong trường hợp này, UAV có thể tấn công bằng cách nào?", Samuel Bendett, nhà phân tích quân sự thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, trụ sở ở Virginia, Mỹ, đặt câu hỏi.

Bendett cho rằng các vụ nổ đã phơi bày một số vấn đề lớn hơn bên trong lực lượng phòng không Nga, cả về năng lực của khí tài cũng như mức độ sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ sâu bên trong lãnh thổ.

"Có lẽ các khí tài phòng không hiện nay không an toàn, hiện đại như họ nghĩ", chuyên gia này nói. "Khi tin rằng đang sở hữu rất nhiều khí tài phòng không hiện đại, lực lượng trực chiến của Nga dường như không lường trước được rằng một cuộc tấn công như vậy lại có thể xảy ra".

Quân đội Nga cho biết Ukraine đã sử dụng UAV "từ thời Liên Xô" để tập kích các căn cứ Dyagilevo và Engels-2. Theo Alexander Kots, phóng viên quân sự nổi tiếng của tờ báo thân Điện Kremlin Komsomolskaya Pravda, căn cứ Engels đã bị tập kích bằng UAV Tu-141 Strizh. Đây là mẫu UAV được Liên Xô phát triển bằng công nghệ từ những năm 1970.

Quân đội Nga tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ những chiếc UAV và "xác của chúng rơi xuống gây ra cháy nổ". Tuy nhiên, ảnh vệ tinh do hãng ImageSat International của Israel công bố cho thấy điểm va chạm và vết cháy trên bãi đỗ máy bay ở căn cứ Engels khá rõ ràng,

Đây là dấu hiệu thể hiện UAV có thể đã lao xuống trước khi phát nổ và gây cháy, chứ không phải bị phòng không bắn hạ và văng ra các mảnh vỡ như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Dyagilevo của Nga sau vụ nổ ngày 5/12. Ảnh: ImageSat International.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Dyagilevo của Nga sau vụ nổ ngày 5/12. Ảnh: ImageSat International.

Rob Lee, chuyên gia về quân sự Nga, thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, trụ sở ở Pennsylvania, Mỹ, cho rằng nếu UAV Tu-141 sử dụng công nghệ lạc hậu có thể xuyên thủng lưới phòng không và radar Nga trong bối cảnh nước này đang trong thời kỳ xung đột quân sự với Ukraine, đây là tín hiệu rất đáng báo động.

"Nếu Tu-141 có thể vượt quãng đường hàng trăm km để tập kích căn cứ không quân lớn, nơi tập kết các máy bay ném bom chiến lược, đó không phải là dấu hiệu tốt với khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công hàng loạt bằng tên lửa hành trình", Lee nói.

Bendett cho hay Ukraine vẫn còn một số UAV Tu-141 trong kho và có thể đã cải tiến, chỉnh sửa để tăng năng lực thực hiện các đòn tập kích tầm xa của họ.

Dù các vụ nổ có phải do Ukraine thực hiện hay không, những cuộc tấn công như vậy cũng góp phần khiến chương trình UAV của nước này và nỗ lực gần đây mà Kiev theo đuổi nhằm phát triển UAV tầm xa nhận được nhiều quan tâm hơn.

Tháng trước, nhà sản xuất vũ khí Ukroboronprom của Ukraine tiết lộ rằng họ đang thử nghiệm một loại UAV tấn công mới có tầm hoạt động lên tới 1.000 km và tải trọng 75 kg. "Chúng tôi đã sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm dưới tác động của các biện pháp tác chiến điện tử", công ty cho biết trong một bài đăng trên Facebook ngày 24/11.

Không có bằng chứng cho thấy UAV thế hệ mới của Ukroboronprom đã được sử dụng trong các cuộc tấn công sân bay Nga, nhưng Bendett nhận định chúng phải là thứ gì đó tiên tiến hơn những UAV sử dụng công nghệ thời Liên Xô.

Giới chức quân sự phương Tây nhận định nếu Ukraine thực sự đã phát triển thành công mẫu UAV có khả năng tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, điều này sẽ gây lo ngại sâu sắc cho Moskva. Vụ nổ tại căn cứ Engels có tác động rất lớn, bởi nó có thể buộc Nga phải phân tán các máy bay ném bom đang đồn trú tại đây đến những địa điểm khác xa hơn.

Một quan chức phương Tây giấu tên cho rằng đây có thể là một đòn giáng mạnh về mặt tâm lý, khiến Nga bớt tự tin hơn vào lưới phòng không của mình cũng như mức độ an toàn của lãnh thổ trước nguy cơ bị Ukraine tấn công.

"Trên thực tế, đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với Bộ Quốc phòng Nga", Ruslan Leviev, nhà phân tích từ tổ chức điều tra độc lập Nhóm Tình báo Xung đột, nhận xét. "Lý tưởng nhất là họ phải bố trí thêm các hệ thống phòng không để lấp lỗ hổng, nhưng vấn đề mà cả Nga và Ukraine đang gặp phải là họ chỉ có số lượng hạn chế những hệ thống như vậy".

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây và gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn cung chip và công nghệ hiện đại cho các tổ hợp vũ khí của mình. Điều này có thể cản trở Nga tăng cường nhanh chóng lưới phòng không của mình.

"Vì thế, họ đứng trước hai lựa chọn là để các sân bay chiến lược trong tình trạng dễ bị tổn thương, hoặc rút một số hệ thống phòng không từ tiền tuyến về bảo vệ hậu phương", Leviev nói. "Đây đều là những lựa chọn tồi tệ trong tình hình hiện nay".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục