Chiến tranh Iraq làm suy giảm sức mạnh và uy tín Mỹ trong ít nhất 1 thế hệ

Mỹ phát động Chiến tranh Iraq với ý đồ chứng minh mình là cường quốc về công lý toàn cầu. Nhưng cuối cùng thì cuộc chiến đó làm suy giảm sức mạnh và uy tín của Mỹ trong ít nhất một thế hệ.

 

Xét từ bình diện quốc tế, Chiến tranh Iraq năm 2003 mang tầm vóc của sự kiện Anh rời EU (Brexit) và Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Cuộc chiến này đã cướp đi của nước Mỹ tính chính nghĩa mà Mỹ có ngay sau loạt khủng bố 11/9/2001. Nó đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Mỹ và phần lớn cộng đồng thế giới, đồng thời gây ra thiệt hại thảm họa cho Iraq - mục tiêu cho cơn thịnh nộ của Mỹ khi đó.

Ngay trước cuộc chiến này, giọng điệu của Mỹ là vô cùng cứng rắn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush khi đó cố gắng thuyết phục dư luận trong và ngoài nước Mỹ rằng cuộc chiến này xứng đáng được tiến hành. Thái độ của Mỹ khi ấy như sau: “Anh hoặc là cùng phe với chúng tôi, hoặc là đứng về bọn khủng bố”. Cộng đồng quốc tế ít có sự lựa chọn khi Mỹ quyết như vậy.

 

Mỹ phát động Chiến tranh Iraq với ý đồ chứng minh mình là cường quốc về công lý toàn cầu. Nhưng cuối cùng thì cuộc chiến đó lại làm suy giảm sức mạnh và uy tín của Mỹ trong ít nhất một thế hệ.

Trung Đông và thế giới Hồi giáo

Nên nhớ rằng quyết định của Mỹ tiến hành cuộc chiến Iraq gây tranh cãi ở Trung Đông - một số nước ở đây phản đối cực lực, một số thì lại ủng hộ. Tuy nhiên, khi cuộc chiến đó diễn ra tệ hại, những nước ủng hộ chính sách của Mỹ lại lẩn trốn và bỏ mặc Mỹ một mình.

Iran ban đầu rất kinh hãi về những gì xảy ra với Iraq năm đó vì họ lo sợ mình sẽ là mục tiêu kế tiếp. Tuy nhiên, Iran sau đó nhanh chóng xoay trục để khai thác sai lầm của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tại Iraq.

Chiến tranh Iraq đã làm suy yếu bạn bè của Mỹ trong khu vực và tăng thêm sức mạnh cho đối thủ của Mỹ. Cuộc chiến này đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi bản thân đóng vai trò đặc biệt ở Trung Đông, họ xem cảm hứng dân tộc của người Kurd chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến của người Mỹ đã làm tổn thương đặc quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong chính sách đối ngoại ở cả hai lĩnh vực này, gây ra các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Thổ cho tới tận ngày nay.

Đối với Iraq, cuộc chiến hiển nhiên để lại những vết sẹo sâu, cả về cơ sở hạ tầng lẫn về văn hóa chính trị. Về mặt hình thức, Iraq hiện nay được xem là một nhà nước dân chủ hàng đầu ở Tây Á. Tuy nhiên, người ta cũng xem Iraq như đối tượng để gây ảnh hưởng hơn là chủ thể gây ảnh hưởng. Các láng giềng của Iraq tiếp tục tiến hành chiến tranh ủy nhiệm quy mô nhỏ để tranh giành ảnh hưởng mà không ngại lắm về “nhân vật chính” là Baghdad. Ngoài ra, xã hội Iraq cũng chia rẽ, với căng thẳng lớn giữa phái Hồi giáo Sunni và phái Hồi giáo Shiite. Hai thập kỷ sau cuộc chiến năm 2003, vẫn chưa có lối thoát nào để giải quyết các căng thẳng này để đưa Iraq về trạng thái “bình thường”.

Tác động lên vùng Á-Âu

Việc Mỹ quyết định tấn công Iraq rõ ràng đã tác động lên quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Nga đã phản ứng trước sự kiện 11/9 với tinh thần đoàn kết chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên thế giới - một mối đe dọa mà Moscow rất chú trọng trong bối cảnh họ đối mặt với chủ nghĩa ly khai Hồi giáo ở Chechnya. Nhưng với hành động của Mỹ ở Iraq, Nga cảm thấy rõ là Mỹ không quan tâm đến lợi ích của Nga. Hành vi của Mỹ ở Libya và Syria càng củng cố thêm kết luận này của Nga.

Trung Quốc cũng thể hiện sự phản đối Chiến tranh Iraq một cách rõ rệt, tuy nhiên không đến mức độ như Nga.

Nhưng quyết định của Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003 đã góp phần khiến Mỹ trì hoãn trong một thập kỷ việc tính toán đến sức mạnh của Trung Quốc. Khi ấy, Washington gác các ưu tiên về Thái Bình Dương sang một bên để theo đuổi cuộc phiêu lưu ở Trung Đông. Nhờ đó, trong thời gian này Trung Quốc có điều kiện phát triển mà không vấp phải sự cản trở từ phía Mỹ.

Chính trị toàn cầu

Khi Mỹ và các nước NATO tức tối trước việc Nga tấn công Ukraine, nhiều nước ở phía Nam Bán cầu đã không chia sẻ tình cảm, thái độ của phương Tây trước hành động của Nga.

Chiến tranh Iraq là một trong các lý do đằng sau thái độ đó của các nước ở Nam Bán cầu. Ngoài ra, còn có yếu tố khác, đó là các di sản đen tối và kéo dài của chế độ thực dân, nửa thực dân mà nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin phải hứng chịu.

Vậy Chiến tranh Iraq đã thực sự đạt những gì?

Quân đội Mỹ đã hủy diệt thành công chính quyền của Tổng thống Saddam Husein và thay thế nó bằng một chế độ thân Mỹ.

Vài năm sau đó, quân đội Mỹ lại phải tiến hành một chiến dịch chống nổi dậy để loại bỏ các đối thủ của chế độ do Mỹ dựng lên. Tiếp đó họ lại phải chiến đấu với tổ chức khủng bố IS vắt qua cả Iraq và Syria để bảo vệ chế độ thân Mỹ ở Iraq.

Thế nhưng Mỹ dường như không giành được danh tiếng về sức mạnh, quyết tâm hay chính nghĩa. Mỹ đã phải trả giá đắt cho hành động của bản thân, đồng thời gây tổn thất khổng lồ cho đất nước Iraq./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục