Các nước giàu trữ 'thừa' hàng tỷ liều vaccine Covid-19

Các quốc gia giàu có được cho là trữ hơn một tỷ liều vaccine Covid-19 so với mức cần thiết, khiến các nước nghèo phải chật vật tìm nguồn cung.

 

Tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo ONE Campaign hôm 19/2 công bố một báo cáo cho thấy Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã đảm bảo được hơn ba tỷ liều vaccine Covid-19, nhiều hơn một tỷ so với 2,06 tỷ liều vaccine cần thiết cho toàn bộ người dân.

Báo cáo của ONE Campaign dựa trên phân tích các hợp đồng từ 5 nhà sản xuất vaccine Covid-19 hàng đầu gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm liều vaccine Astra Zeneca ở London, Anh, hôm 18/2. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm liều vaccine Astra Zeneca ở London, Anh, hôm 18/2. Ảnh: Reuters.

ONE Campaign cho biết các quốc gia giàu có, như Mỹ và Anh, nên chia sẻ lượng vaccine dư thừa để tăng cường phản ứng toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19. Tổ chức này cảnh báo nếu không làm như vậy, hàng tỷ người sẽ không được tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 và có thể khiến đại dịch kéo dài.

"Sự dư thừa khổng lồ này là hiện thân cho chủ nghĩa dân tộc về vaccine. Các nước giàu có thể hiểu đã đánh cược vào vaccine ngay từ ngày đầu đại dịch bùng phát, nhưng khi thu được thành quả từ ván cược này, cần phải điều chỉnh lại phương hướng nếu chúng ta muốn bảo vệ hàng tỷ người trên khắp thế giới", Jenny Ottenhoff, Giám đốc cấp cao về chính sách của ONE Campaign, cho biết.

Phân tích của ONE Campaign cũng chỉ ra rằng cùng với các nguồn cung cấp vaccine từ Chương trình Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) và các thỏa thuận song phương, lượng vaccine tích trữ vượt mức của các nước giàu sẽ rất hữu ích trong việc bảo vệ người dân dễ bị tổn thương ở các nước nghèo hơn.

ONE Campaign khẳng định điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do nCoV, hạn chế khả năng xuất hiện các biến thể virus và khiến đại dịch sớm kết thúc. Tổ chức Y tế Thế giới hôm 18/2 cũng kêu gọi các quốc gia có vaccine hãy đóng góp cho COVAX để đảm bảo công bằng về vaccine toàn cầu.

"Công bằng vaccine đặc biệt quan trọng với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Không nơi nào được phép bị bỏ lại phía sau", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục