Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh

Để đạt mục tiêu 80% trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tiêm đủ 2 mũi cơ bản vaccine COVID-19 và 80% lứa tuổi từ 12 - dưới 18 tiêm mũi 3, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

 

Đây là nhấn mạnh của lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tại hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch diễn ra chiều nay 23/11, với sự tham dự của 63 địa phương.

Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế là PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Cùng dự còn có đại diện một số Cục, Vụ liên quan của hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đồng chủ trì hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch (Ảnh:Trần Minh)

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch, giảm tỷ lệ tăng nặng và tử vong

Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ TW trình bày tại hội nghị cho thấy, để hoàn thành mục tiêu trên 90% người từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 còn phải tiêm khoảng 10 triệu mũi. Đối với trẻ 5 - dưới 12 tuổi còn phải tiêm 2,7 triệu mũi mới đạt mục tiêu 80% bao phủ mũi 2 cho nhóm trẻ này.

Các chuyên gia khẳng định, tỷ lệ tiêm cao sẽ tạo miễn dịch cộng đồng và tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch, giảm tỷ lệ tăng nặng và tử vong.

Thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, nhờ thành quả của tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ ca COVID-19 tử vong/ca mắc tại thời điểm tháng 7-9/2022 so với tháng 5-9/2021 (thời điểm tỷ lệ tiêm vaccine thấp, ghi nhận biển thể Delta) giảm 245 lần.

Thời gian gần đây số tử vong trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 10.000 ca/tuần, trong khi đó Việt Nam ghi nhận 1-2 ca/tuần.

Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho hay, ngoài dịch bệnh COVID-19 đang hiện hữu, bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp.

Trong năm 2022, thế giới ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là tại Châu Mỹ và một số nước Châu Á. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 314 nghìn ca mắc, trong đó có 115 ca tử vong . So với năm ngoái, số ca mắc trong nước đã tăng tới 4 lần. Khu vực miền Bắc và miền Trung đang ghi nhận số ca mắc cao, trong khi số ca mắc ở miền Nam đang có xu hướng giảm.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tiêm vaccine COVID-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào (Ảnh: Trần Minh)

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, học sinh sinh viên. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế về tăng cường công tác phối hợp tiêm chủng vaccine cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ghi nhận sự nỗ lực của ngành GD&ĐT các địa phương trong công tác phối hợp với ngành y tế để triển khai tiêm vaccine COVID-19. Thực tế vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận về chủ trương tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần nhấn mạnh tới vai trò của UBND cấp huyện là rất lớn vì các trường từ mầm non, tiểu học đến THCS đều thuộc phân cấp quản lý thuộc cấp huyện.

"Huyện cần chỉ đạo để các tổ chức đoàn thể vào cuộc, nhất là các gia đình chưa có sự nhận thức đầy đủ chứ không thể phó mặc cho giáo viên, nhà trường. Cần đẩy nhanh tiêm chủng để tránh tái bùng phát dịch trở lại"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Quyết liệt đẩy nhanh hơn nữa trong công tác tiêm vaccine COVID-19, tăng cường phòng chống dịch

Phát biểu tại cuộc tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cảm ơn các bộ, ngành địa phương đã cùng với Bộ Y tế và ngành y tế địa phương đồng sức, đồng lòng thực hiện công tác phòng chống dịch cũng như tiêm vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Trần Minh)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào; Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng và tiêm vaccine COVID-19.

Đề nghị các địa phương khi phát hiện các thông tin về dịch bệnh trên địa bàn cần báo cáo ngay với Bộ Y tế để Bộ nắm thông tin, có những chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ về công tác điều trị và dự phòng "- Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý thêm.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh - Ảnh 6.

TS Angela Maree Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh dù tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 diễn tiến nặng là thấp nhưng cũng không được phép chủ quan, bởi khi trẻ bị nhiễm vẫn có thể lây cho các thành viên trong gia đình. (Ảnh: Trần Minh)

Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nói chung, cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19; Viện Vệ sinh dịch tễ TW và khu vực, Viện Pasteur cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm vaccine COVID-19 cũng như tiêm chủng mở rộng…

Đối với Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan khác tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh - Ảnh 7.

Các điểm cầu dự hội nghị (Ảnh: Trần Minh)

Tại hội nghị, TS Angela Maree Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - nhấn mạnh, Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản cao trên thế giới. " Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ liều ban đầu, là ví dụ điển hình cho thành công của tiêm liều ban đầu "- TS Angela Maree Pratt nói.

Theo TS Angela Maree Pratt, dù tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 diễn tiến nặng là thấp nhưng cũng không được phép chủ quan, bởi khi trẻ bị nhiễm vẫn có thể lây cho các thành viên trong gia đình.

"Khi trẻ mắc COVID-19, việc quan sát các biểu hiện hậu COVID-19 cũng được chú ý"- TS Angela Maree Pratt lưu ý.

Cũng theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, các loại vaccine phòng COVID-19 đã được WHO công nhận đủ an toàn và hiệu quả với trẻ em và trẻ vị thành niên. Lợi ích của việc tiêm vaccine trong giảm tỉ lệ tăng nặng, tử vong đã được khẳng định. Nhờ tiêm chủng vaccine đầy đủ đã giảm gián đoạn việc trẻ em đến trường...

Theo: covid19.gov.vn

Tin cùng chuyên mục