Khơi dậy tính năng động, ý chí làm giàu của nông dân

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được các cấp Hội Nông dân huyện Hàm Yên triển khai sâu rộng, giúp khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên nông dân.

 

Luôn khát vọng làm giàu và đã qua đủ thứ nghề nhưng bà Lê Thị Hiền, thôn Ninh Thái, xã Thái Hòa (Hàm Yên) chọn gắn bó mô hình phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan), ấp trứng, bán giống và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Bà Hiền đã tận dụng lợi thế nhà gần suối để chăn nuôi vịt đẻ. Mỗi “nước đi” được bà Hiền đều tính toán chắc chắn. Vừa duy trì nuôi vịt, bà quy hoạch lại hệ thống chuồng đầu tư nuôi thêm gà, ngan đẻ; tiếp đó là mua máy ấp về ấp bán trứng vịt lộn, ấp bán con giống vịt, gà, ngan. Đến nay, bà thường xuyên duy trì đàn gia cầm giống sinh sản: Gà 700 con, vịt 1.300 con, ngan 900 con; có 7 lò ấp trứng công suất 10.000 quả/1 lò/1 lần ấp. Vừa bán con giống, bà vừa hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thức ăn chăn nuôi cho những hộ nông dân. Hộ nuôi nào có nhu cầu bà nhận bao tiêu sản phẩm trứng; cung cấp thông tin kết nối với những thương lái mua giúp nông dân bán vịt, gà, ngan thịt nhanh chóng, thuận lợi. Bà Hiền chia sẻ, muốn thành công phải làm ăn bài bản, tâm huyết với nghề, giữ uy tín. Đồng thời, bà cũng phải chuyển đổi sớm để thích ứng với nhu cầu thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn con giống tốt, lựa chọn đối tác cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín.


Bà Lê Thị Hiền, thôn Ninh Thái, xã Thái Hòa (Hàm Yên) chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Cũng như nhiều hộ nông dân khác, ông Hà Minh Phùng, thôn Gạo Đình, xã Đức Ninh lựa chọn cách làm giàu bằng việc phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn, thả cá thịt, trồng cây ăn quả đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Khu chuồng nuôi được ông xây dựng kiên cố quy củ, lắp đặt hầm biogas, nguồn nước thải từ bể biogas được thu gom vào bể chứa, dùng bón cho cây ăn quả. Bên cạnh đó, ông đầu tư dây điện, máy bơm, hệ thống ống dẫn hút nước thải bể biogas, từ ao chủ động tưới cho cây ăn quả nhất là những đợt khô hạn kéo dài. Hiện, ông Phùng duy trì nuôi 2 lợn nái và 10 con lợn thịt/lứa. Ông đã có vườn cây ăn quả gần 500 cây, gồm cam canh, ổi lê, bưởi da xanh, bưởi Diễn và bưởi Soi Hà đã và sắp được thu hoạch, hứa hẹn có nguồn thu nhập đáng kể trong vài năm tới.

Trên đây chỉ là hai trong hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Hàm Yên. Toàn huyện hiện có gần 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Theo ông Nông Quang Sự, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Yên, có được kết quả trên là do những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đến cơ sở. Các cấp Hội Nông dân đã bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của các xã, thị trấn. Trung bình hàng năm, các cấp hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức trên 600 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá bảo vệ thực vật cho hơn 30.000 lượt hội viên, nông dân tham gia. Các cấp Hội Nông dân huyện đang phối hợp với với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Quản lý quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh nhận ủy thác, tín chấp gần 296 tỷ đồng giúp trên 6.200 hộ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hàm Yên tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, khơi dậy ý chí, tinh thần chủ động để thêm nhiều hội viên nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.                   

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục