Hùng Đức phát triển rừng FSC

Xã Hùng Đức (Hàm Yên) có hơn 4.500 ha đất rừng sản xuất, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên của xã. Phát huy tiềm năng đó, những năm qua, xã đã tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế từ rừng và cấp chứng chỉ rừng FSC, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Hùng Đức là địa phương đầu tiên của huyện Hàm Yên áp dụng trồng rừng tại các hộ, nhóm hộ gia đình theo tiêu chuẩn FSC vào tháng 1-2019. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND huyện Hàm Yên đã phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển nông lâm nghiệp Phú Lâm thực hiện quy trình này. Theo đó, Công ty Phú Lâm đã mời chuyên gia khảo sát diện tích rừng ban đầu cho nhóm hộ. Trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững, công ty phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, phổ biến nguyên tắc quản lý rừng FSC cho người dân.

Ngay đợt đầu tiên vận động, tuyên truyền có gần 2.400 ha được người dân địa phương đăng ký thực hiện. Ông Tướng Văn Thành, thôn Cây Thông có 1,5 ha keo 4 năm tuổi. Ông Thành cho biết, được cán bộ xã vận động và tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật ông triển khai thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC cả 1,5 ha. Ông cũng như nhiều bà con trong thôn nhận thấy trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC tuy rất ngặt nghèo nhưng rừng được quản lý bền vững hơn, đất đai được bảo vệ triệt để hơn, môi trường được cải thiện.


Rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của gia đình ông Tướng Văn Thành, thôn Cây Thông.

Ông Bàn Văn Dưỡng, Trưởng thôn Cây Thông cho biết, thôn có 70 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 20 ha rừng đã được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ rừng kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thoát nghèo bền vững. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm đến 63% thì nay giảm còn 22%. Điển hình như gia đình ông Triệu Văn Phúc ngoài việc trồng 3 ha rừng sản xuất, ông nhận trồng rừng giao khoán hơn 1 ha của Công ty Lâm nghiệp Tân Phong và phát triển chăn nuôi thêm ngan, gà để tăng thu nhập. Nguồn thu từ trồng rừng, chăn nuôi và phát triển nông nghiệp giúp gia đình ông đạt 70 - 80 triệu đồng/năm, gia đình ông đã thoát nghèo từ năm 2017.

Thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình ông Trần Ngọc Đăng, thôn Đèo Tế trước đây là hộ nghèo. Từ năm 2009, gia đình ông quyết định chuyển diện tích đất rừng sản xuất của gia đình sang trồng keo, mỗi năm trồng một phần diện tích, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông đã trồng được 6 ha rừng. Ngoài ra, ông còn trồng rừng giao khoán để tăng thêm thu nhập. Từ rừng và phát triển chăn nuôi lợn, cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, gia đình ông đã dựng được nhà, mua sắm đầy đủ các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.

Còn gia đình ông Hoàng Văn Sóc, thôn Cây Quéo cũng nhờ có rừng mà xây được ngôi nhà khang trang. Ông Sóc bảo, ông có hơn 6 ha rừng, vừa rồi ông thu hoạch 0,8 ha. Số gỗ này được Công ty Lâm nghiệp Tân Phong thu mua với giá 900 nghìn đồng/khối, thu được 72 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng. Diện tích rừng còn lại ông đã áp dụng chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC và đã qua 2 lần đánh giá của các chuyên gia. Các tiêu chuẩn, kỹ thuật cơ bản được đánh giá tốt, việc cấp chứng chỉ sẽ được thực hiện trong năm 2020. 

Ông Bàn Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức cho biết, tạo đà cho phát triển kinh tế rừng, xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cây giống cho người dân trồng rừng. Từ năm 2016 đến nay, người dân trong xã được hỗ trợ hơn 500.000 cây keo mô và hạt giống trên tổng diện tích 330 ha. Được hỗ trợ cây giống, người dân rất phấn khởi và có động lực phát triển kinh tế từ rừng. Do vậy, giai đoạn 2016 - 2020 xã luôn đạt và vượt kế hoạch trồng rừng từ 2 - 5%.      

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục