Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác: Phải phù hợp và đúng quy hoạch

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đang mang lại giá trị cao trên mỗi héc ta canh tác, mở hướng làm giàu cho nông dân. Song vấn đề đặt ra hiện nay là việc chuyển đổi phải thực hiện theo đúng quy hoạch, phù hợp với thực tế.

Do ruộng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả, nhiều hộ nông dân thôn 1, xã Trung Môn (Yên Sơn) đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, ông Lâm Quang Anh đã thuê máy múc đào ao, kè lại bờ bao thả cá trắm, chép, mè và rô phi. Ông Anh cho biết, 4 sào ao, mỗi năm ông thu 1,5-1,7 tấn cá, trừ chi phí giống, thức ăn mỗi năm gia đình thu khoảng 100 triệu đồng, cao gần gấp 10 lần trồng lúa.


Cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Yên kiểm tra diện tích chanh trồng trên đất ruộng tại xã Phù Lưu.

Theo ông Hà Quốc Huy, trưởng thôn 1, từ năm 2015 đến nay, khoảng 20 ha đất ruộng trũng khó khăn trong sản xuất lúa được bà con chuyển đổi sang ươm nuôi cá giống, cá thịt, mang lại giá trị kinh tế từ 300-400 triệu đồng/ha/năm. Ông Huy khẳng định, việc bà con chuyển đổi đất ruộng sang nuôi trồng thủy sản rất phù hợp với điều kiện thực tế, bởi hàng năm lượng nước từ hồ thủy lợi Ngòi Là xả ra là rất lớn.

Xã Phù Lưu (Hàm Yên) có hàng chục ha trồng lúa đã được chuyển sang trồng chanh tứ thì. Gia đình ông Ma Văn Hanh, thôn Mường chuyển đổi 0,3 ha đất ruộng 2 vụ lúa sang trồng chanh tứ thì. Hiện khoảng 40-50 ngày chanh cho hái 1 lứa. Năm 2019, gia đình thu hoạch được 10 tấn, giá bán 20 nghìn/kg thu về 200 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, giai đoạn 2017-2019, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh là 1.202,8 ha. Trong đó, chuyển trồng cây hàng năm 930,8 ha, chuyển trồng cây lâu năm 229,7 ha, còn lại là chuyển trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 8 lần. Dự kiến trong năm nay, tỉnh có thêm 395,24 ha đất lúa được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Trong đó, chuyển trồng cây hàng năm 296,21 ha, chuyển trồng cây lâu năm 89,71 ha, còn lại là chuyển trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.                                    

Hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã rõ, vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi phải bảo đảm theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, phát triển ồ ạt ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. Tại xã Phù Lưu, dù diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng chanh vẫn được giữ nguyên cơ sở hạ tầng sản xuất gồm đường giao thông, hệ thống kênh mương, song trước tình trạng bà con chuyển đổi ồ ạt đe dọa phá vỡ vùng quy hoạch và khi diện tích tăng nhanh sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã đã có 45 ha đất trồng lúa được bà con chuyển đổi sang trồng chanh, trong đó có 15 ha đất ruộng 1 vụ, 30 ha đất 2 vụ lúa. Thực tế, giá trị chanh từ năm 2019 đến nay đã giảm từ 25-30 nghìn đồng/kg xuống còn 15-20 nghìn đồng/kg, dự báo khả năng giá chanh tươi sẽ tiếp tục giảm do nhiều diện tích chanh bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên khẳng định, để bảo đảm việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác mang lại hiệu quả và đúng quy hoạch và phù hợp với thực tế, huyện đang yêu cầu các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết gồm: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng, vật nuôi để huyện giám sát, theo dõi. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để chuyển đổi không đúng mục đích dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đơn vị đã làm việc với các phòng chuyên môn các huyện, thành phố, các địa phương giám sát kế hoạch chuyển đổi, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Ông Tuyên cũng khuyến cáo, chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.             

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục