Phát triển đội ngũ nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Trong tư tưởng của Người, chúng ta luôn tìm thấy những trăn trở, những yêu cầu, những lời dặn dò và kỳ vọng đối với việc xây dựng đội ngũ những người thầy trong xã hội.

 

Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958.

Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Người còn khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên trong sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Bác đã nói: Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sữa chữa”(1).

Với Người, sự nghiệp trồng người - giáo dục, đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Họ chính là lực lượng then chốt, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì lẽ đó, Bác đã dày công xây dựng hệ thống quan điểm về những tiêu chuẩn, phẩm chất cần có của đội ngũ nhà giáo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, bao gồm:

Thứ nhất, mỗi một thầy giáo cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, trau dồi đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người đặc biệt chú trọng đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ những người làm nghề giáo. Đó không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, mà còn là nỗi bận tâm đau đáu của Người. Cũng tại buổi nói chuyện tháng 10-1964, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bác đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”(2). Với Người, việc luôn trau dồi đạo đức cách mạng đã trở thành một nhiệm vụ tất yếu, tối quan trọng, là điều kiện “cần” và “đủ” mà tất cả thầy cô giáo đều phải hướng đến.

Thứ hai, nhà giáo phải luôn là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy - một nhà giáo dục vĩ đại, cả cuộc đời, Người đã giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng... Sức mạnh giáo dục và cảm hóa của Người làm khuất phục cả những kẻ thù ở bên kia chiến tuyến, đưa họ trở về với chính nghĩa, với lương tri của con người. Để có được điều đó là do ở Bác hội tụ đầy đủ tri thức, bản lĩnh và một nhân cách cao đẹp về tư tưởng, đạo đức và lối sống, là một tấm gương cao cả để lớp lớp cán bộ học tập và noi theo. Bác thành công trong sự nghiệp giáo dục vĩ đại của mình là vì trước hết Bác là một con người chân chính, một người yêu nước, một người cộng sản, một nhà cách mạng, một nhà nhân văn đích thực, một con người xứng đáng nhất với danh hiệu con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Người có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với đội ngũ nhà giáo, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy, đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với các em học sinh… Chính vì thế, Người nhắc các nhà giáo, dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc (19-2-1959), Người nhấn mạnh: “Trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách, v.v., phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Nếu các cô, các chú bảo: “Các em phải siêng làm” nhưng các cô, các chú lại đi ngủ, hoặc dạy “các em phải thật thà”, nhưng các cô, các chú lại nói sai, hay bảo “các em phải giữ vệ sinh chung”, nhưng các cô, các chú bẩn, như thế là không được. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. Người dặn dò: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình”(3), vì vậy “thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: Đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4).

Thứ bathầy cô giáo phải thật sự yêu nghề, gắn bó với nghề; tất cả vì học sinh thân yêu. Trong tư tưởng, Bác đặc biệt nhấn mạnh sự “yêu nghề” trong hoạt động giáo dục: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”(5). Ngoài ra, Người đặc biệt chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà xã hội, Đảng và nhân dân giao cho các thầy, cô giáo. Người luôn căn dặn: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”(6). Đó là tinh thần trách nhiệm dành cho sự nghiệp giáo dục, mang tri thức tới cho các em học sinh, các thế hệ sinh viên; là nghĩa cử cao đẹp và sự dấn thân vì mục tiêu “trăm năm trồng người”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh như con, em ruột của mình, không thiên tư, thiên vị. Chỉ như vậy, các thầy, cô giáo mới đi tới sự đoàn kết thực sự, chung lòng, dốc sức vì tương lai của con em ta, dân tộc ta. Người viết: yêu nghề, yêu trường thôi chưa đủ mà phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi chủ nghĩa xã hội là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. Khi thầy, cô giáo có tri thức, niềm tin và tình yêu thật sự vào chế độ mới thì đứng trên bục giảng họ mới có thể truyền lại được cho lớp lớp học trò niềm tin, tình yêu và góp sức mình vào xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, quá trình giáo dục mỗi thầy giáo, cô giáo cần đặc biệt chú trọng tới nội dung và phương pháp truyền thụ. Theo Bác, quá trình giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tuy vậy Người đặc biệt chú trọng đến tác phong, tư duy, cách truyền đạt tri thức cho học trò, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều.

Người nhấn mạnh: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”(7). Chất lượng và hiệu quả giáo dục không phải ở chỗ học nhiều, học vẹt, học thuộc lòng từng câu, từng chữ, mà là giáo dục người học trở nên “những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”(8).

Người cũng khuyên rằng “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(9).

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Người về vai trò của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo, luôn xác định là “quốc sách hàng đầu”, trở thành tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng đặt ra yêu cầu việc xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội cũng xác định cần: “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”(10), trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cái thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”(11).

Những quan điểm trên của Đảng chính là trở về với triết lý giáo dục của Người nhằm thực hiện thành công chiến lược trồng người - “những người hữu ích cho nước Việt Nam” như Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng mong ước. 

----------

(1)  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14, tr.402, 403.

(2), (5) Sđd, t.14, tr.403., 402.

(3), (4) Sđd, t.12, tr.269, 271.

(6)  Sđd, t.15, tr.507.

(7), (9) Sđd, t.5, tr.120, 217.

(8) Sđd, t.4, tr.34.

(10), (11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.136, 139.

 

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục