Tiếng chợ

Nghe kể, chợ Thụt mỗi năm chỉ họp có một lần đã đủ sức gợi về hình ảnh làng quê từ thuở hồng hoang. Dẫu chẳng ai biết chợ hình thành tự bao giờ, nhưng chính sự tồn tại của chợ đến nay đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt, nét sinh hoạt văn hóa độc nhất vô nhị của một góc xứ Tuyên.
Ký ức bến sông

 
Thổ cẩm bán tại chợ Thụt.


Sở dĩ gọi là chợ Thụt bởi chợ nằm trên địa phận thôn Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên), ở tả ngạn sông Lô và cách phố huyện chừng chục cây số về phía Bắc. Dấu ấn soi Thành, bến sông thuyền bè neo đậu bây giờ cũng chỉ được kể lại theo ký ức của người cao niên thôn Thụt. Vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, nơi đây từng là cảnh “trên bến dưới thuyền”, người bán, người mua nhộn nhịp. Là chợ phiên, nhưng mỗi phiên cách nhau hẳn 1 năm trời, vào mùng 2-2 âm lịch. Hàng năm, mỗi dịp đến phiên chợ, dân buôn bán tứ xứ, từ Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, thị xã Tuyên Quang… chở hàng hóa bằng thuyền, bè lên tập kết tại bến sông này bán cho nhân dân địa phương. Thời bấy giờ, ở ven sông có rất nhiều người Hoa sinh sống, nên người bản địa thường quen gọi là “phố người Hoa” hay “phố Thụt”. Năm 1949, trong lần quân Pháp ném bom phố huyện làm hơn ba chục người thiệt mạng và bị thương, thuyền bè ở bến sông toán loạn, người phố Thụt cũng phải chạy đi sơ tán mất một thời gian.

Một trong những người được chứng kiến chợ Thụt vào khoảng thời gian đó là ông Khổng Xuân Lộc, thôn Thụt, năm nay 76 tuổi. Lúc lên 6, ông đã theo cha từ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) ngược sông lên đây sinh sống và ở luôn tại thôn Thụt từ đấy. “Khi tôi đến thì đã có chợ rồi. Ông Lộc đăm chiêu - “Mà chẳng hiểu sao hồi đó nhiều người tứ xứ đến đây buôn bán thế, thuyền bè chống sào đi lại như con thoi suốt ngày. Họ mổ lợn, trâu, bò, làm bánh, mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, chợ họp kéo dài liền 3 ngày, từ chiều 30-1 đến hết ngày
2-2; chợ còn tổ chức các trò chơi như đánh bàm, đánh yến, cờ người, vật…

Mấy hôm chính chợ, người kéo về chợ đông nghìn nghịt, chật cả bến sông này”. Ngày ấy, những người đi chợ Thụt đều mang quan niệm đến chợ để “mua may, bán rủi”. Chợ độc đáo ở chỗ người bán không nói thách, người mua không mặc cả...

 Năm nay, bà Tướng Thị Nọn, người Dao Quần trắng thôn Làng Bát đã hơn 70 tuổi. Chẳng năm nào bà vắng mặt tại chợ Thụt. Sáng sớm, bà Nọn lặn lội đi bộ từ thôn Làng Bát, cách đấy mấy cây số để đến chợ. Bà Nọn bảo chợ Thụt ngày ấy không chỉ đơn thuần là bán và mua, đó chỉ là cái cớ để đầu xuân, trai gái đến đây hò hẹn, gặp nhau, giao lưu tình cảm, giống như chợ tình. Thế mới có chuyện chợ “không ai nói thách, không ai mặc cả”. Mỗi năm trở lại chợ Thụt, không những mua hàng hóa, bà Nọn còn theo bước chân dập dìu của các chàng trai, cô gái Dao, Tày, Mông để tìm lại những kỷ niệm đang dần trôi về quá khứ, lắng nghe nỗi niềm vọng lại từ thuở xa xưa.

“Tháng Giêng ăn tết ở nhà, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Người dân thôn Thụt xưa kia dành khá nhiều thời gian cho chơi xuân. Chợ Thụt cũng chủ yếu chỉ bán là vải vóc, bánh trái, thực phẩm, các loại thuốc quý lấy ở trong rừng. Sau này có cả những đồ nông cụ như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày, lưỡi bừa… Người ta bảo rằng, sự có mặt của những thứ ấy làm cho người nông dân nhớ đến công việc đồng áng mà xếp lại chuyện vui xuân. Có nghĩa, chợ Thụt cũng đồng thời nhắc nhở mọi người đã hết tháng ăn chơi, hãy tập trung vào lao động sản xuất để mang lại một mùa vụ mới no đủ hơn. 

Phiên chợ làm nên ngày hội

 
Sản vật địa phương bán tại chợ Thụt.

Chợ Thụt nay vẫn thế. Chỉ khác đôi chút là có thêm nhiều người Kinh đi chợ hơn. Ngày xưa chợ họp ở bến sông, nay Nhà nước đầu tư làm đường tựa như con đê chạy dọc bờ sông Lô qua thôn Thụt. Chợ kéo dài gần cây số trên đoạn đê ấy.

Một năm tuy không dài, nhưng cũng khiến nhiều người phải ngong ngóng đến phiên chợ. Năm nào cũng vậy, nhà ông Khổng Xuân Lộc, trong nhà, ngoài hiên lăn lóc người đến ngủ nhờ. Họ là những người bán hàng ở nơi xa đến, lẫn trong đó có cả thanh niên đi chơi chợ. Vải vóc, thổ cẩm, chỉ thêu, vòng bạc… bày la liệt ở sân chờ đến sáng hôm sau. Từ chiều hôm trước, cây còn cao hơn 20 mét được nhân dân trong thôn hô hào đẽo gọt và dựng lên ngay bên đường. Cái lạ nữa, thường thì hội tung còn được tổ chức ở sân bãi rộng, nhưng những quả còn ở chợ Thụt được ném ngay… trên đê. Sáng ra, lác đác vài bóng người. Nhưng càng gần trưa, nườm nượp từng đoàn người từ khắp nơi đổ về con đê, như chưa bao giờ đông như vậy. Bến sông xưa lại bừng lên trong phiên chợ.

Hàng hóa ở chợ Thụt độc đáo và đặc trưng của chợ quê. Từ các hàng nông sản như măng, các loại quả như cam, quýt, nông cụ đến các loại bánh quê như bánh nẳng, bánh gai, bánh dầy, bánh hình thù các con vật… Nhiều nhất vẫn là quần áo, thổ cẩm, trang phục dân tộc. Mặc dù chợ Thụt nay cũng “Kinh hóa” nhiều, hàng hóa của người Kinh cũng theo nhau bày bán la liệt khắp chợ. Cũng chẳng sao, đất nước hội nhập, thôn cũng hội nhập! Bởi vài chục năm nữa, những thứ hàng ấy mà còn tồn tại ở chợ Thụt sẽ trở nên quý hiếm lắm.

Từ xã Phù Lưu, thị trấn Tân Yên, xã Hùng Đức, người dân mang thổ cẩm đến bày bán. Những nét hoa văn tinh xảo đã được bà con may, thêu thủ công hàng năm trời, nay được phô ra để hàng nghìn con mắt của du khách chiêm ngưỡng. Hồn dân tộc sáng rực lên trong từng thước vải. Tất cả phụ nữ Dao Quần trắng hầu như đều ăn trầu, nhuộm răng đen hết. Hình ảnh những người phụ nữ Dao bán hàng ở chợ Thụt cũng thấy na ná “những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng” trong “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm. Chợ miền núi, nhưng thực sự có quá nhiều thứ làm ta lầm tưởng đây là một phiên chợ ở miền xuôi. Cũng phải thôi, mảnh đất xưa kia người Hoa, người miền xuôi lên đây sinh sống, dân buôn bán cũng người dưới xuôi. Chỉ có những mặt hàng đặc trưng của vùng núi Hàm Yên như trang phục thổ cẩm, nông sản, thuốc rừng… mới tô cho chợ Thụt những nét riêng chợ phố núi.

Trong dòng người đổ về chợ Thụt, có hai bà cụ Dao Quần trắng dáng còng, khoác túi vải sau lưng, chống gậy rạp mình bên nhau. Đã ngót nghét 80 tuổi, nhưng hai cụ cũng chưa thông thạo tiếng Kinh. Gặng hỏi mãi, mới biết hai cụ ở thôn Cọ gần đấy. “Vải ở Thụt tốt lắm! Chẳng mua gì đâu, mua vải về khâu, mua vỏ để ăn trầu thôi” - Cụ Đặng Thị Nụng bỏm bẻm nói. Chẳng sai khi dám đoán rằng, sự tồn tại của chợ Thụt đến nay đã góp phần duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở huyện Hàm Yên.

Ở chợ Thụt, một chén rượu cũng đủ để làm nên khúc tâm giao. Trong các sạp thắng cố bên đường, hàng tốp người ngây ngất với những câu chuyện vui, chuếnh choáng với men say tình người. Một năm qua, không ít câu chuyện thắng lợi về mùa vụ, chuyện làm ăn phát đạt, rồi nhà cửa thay đổi để người ta mang ra chia sẻ với nhau. Có những câu chuyện không đầu, không cuối mà nghe vẫn hiểu, vẫn thấy được niềm hân hoan ở trong đó. Không quá khi nói chợ Thụt là “nơi gặp gỡ tình yêu”, bởi trước đây nhiều chàng trai, cô gái đã gặp nhau ở chợ, họ quen nhau, yêu nhau rồi sống với nhau đến đầu bạc răng long. Bây giờ cũng thế, trong hàng ngàn người bìu ríu nhau đi chợ, có đến trên phân nửa là nam thanh, nữ tú xúng xính trong bộ quần áo mới, trao nhau ánh mắt tình tứ.

Những quả còn tua rua ngũ sắc đem bao ước vọng cho một năm mới của người nông dân đã được tung lên bầu trời. Cây còn cao vút như sự thách thức con người chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Mặt nguyệt trên cây còn đã bị xuyên thủng trong niềm hân hoan vui sướng không chỉ người dân thôn Thụt. Anh Bàn Văn Các, người Dao Quần trắng ở thôn Khâu Lình, xã Phù Lưu đã may mắn làm được điều đó. Một năm bội thu về mùa màng của gia đình anh đã được báo trước bằng sự may mắn ấy. Anh Các giơ quả còn trong tay: “Đấy là tín ngưỡng để dân mình có niềm tin. Còn no ấm hay không, vẫn là do cày sâu cuốc bẫm”. 

Âm vang miền đất hứa

 
Chị em phụ nữ dân tộc Dao xã Phù Lưu tại chợ Thụt.


Ông Ma Văn Long, thôn Mường, xã Phù Lưu đi chợ chọn mua đôi dao quắm. Ông bảo, năm nào cũng mua một đôi về làm dụng cụ dọn dẹp, phát cỏ chăm sóc vườn cam của nhà mình. Gia đình ông có hơn 5 ha cam, sản lượng năm nay đạt gần 100 tấn quả, trừ mọi chi phí thu trên 300 triệu đồng. Cùng với ông Long, vườn cam của gia đình ông La Văn Hiệp, ông Đặng Văn Công, Hà Văn Minh là những diện tích cam lớn ở xã Phù Lưu, cho thu nhập cao. Phù Lưu là vườn cam lớn nhất ở Hàm Yên, với gần 900 ha, chất lượng thơm ngon tạo nên thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Sản lượng cam năm nay của xã ước đạt 12.000 - 15.000 tấn quả, cho thu nhập khoảng 70 tỷ đồng. Cam sành Hàm Yên đã nổi tiếng khắp cả nước, cam mang đi đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Phù Lưu còn là địa phương phát triển nghề dệt thổ cẩm, góp phần khôi phục, giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống đang nguy cơ mai một. Đến nay, toàn xã Phù Lưu đã có trên 20 hộ gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư dệt thổ cẩm. Trước đây, đời sống của trên 80 hộ đồng bào dân tộc Dao thôn Khâu Lình chỉ biết trông vào cây lúa nên còn gặp khó khăn. Nay, thôn đã chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất. Chị em phụ nữ trong thôn đã đều biết thêu và dệt thổ cẩm, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Nghề thêu và dệt thổ cẩm đã và đang từng bước trở thành nguồn thu chính của thôn. Cùng với cây lúa, cây cam, sản xuất thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng trong giảm số hộ nghèo năm 2011 của xã Phù Lưu xuống còn 28%, nâng số hộ khá và giàu lên gần 50%.

Chủ tịch xã Phù Lưu Ma Hoa Tàm chẳng ngại ngần khoe con “trâu sắt” 500 triệu đồng mà ông mới tậu: “Nông thôn bây giờ đổi khác rồi, người nông dân dần dần cũng phải biết đi ô tô ra ngoài đồng chứ!”. Nói vậy là biết ông Tàm tự hào lắm. Ông là lãnh đạo xã mạnh dạn mua ô tô 4 chỗ để phục vụ gia đình và công việc cá nhân. Cũng chẳng có gì lạ, chính nghề trồng cam đã cho gia đình ông thu nhập cao, góp được tiền tỷ. Công sức lao động, sự cần cù của người nông dân xứng đáng được trả công, và ông là người đi đầu trong việc dám nghĩ, dám làm. Ông Tàm muốn bộ mặt nông thôn được đổi thay, thu hẹp dần khoảng cách với thành thị, trước hết là tại địa phương ông lãnh đạo. Và điều ấy ông đang thực hiện rồi.

Suốt chiều dài hàng thế kỷ nay, chợ Thụt vẫn trường tồn, chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất và con người Phù Lưu cùng sự vươn lên của cộng đồng 12 dân tộc anh em trên mảnh đất Hàm Yên. Như lời Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Lê Tiến Thắng tâm sự, thì nay mai, chợ Thụt không chỉ là mối giao thương của người dân Phù Lưu với các địa phương bạn, mà còn là điểm đến không thể thiếu của khách thập phương trong hành trình khám phá mảnh đất này.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục