Tạ lễ Đức Thánh Phù Đổng sau một mùa hội Gióng tưng bừng

Hội Gióng Phù Đổng diễn ra sôi động, tưng bừng vượt cả dự tính và mong đợi của ban tổ chức. Hàng vạn du khách quyết “đọ sức” với cái nắng nóng đỉnh điểm để được hòa mình vào không gian lễ hội độc đáo, cổ xưa bậc nhất Việt Nam.
Sáng qua 12/5, sau khi Hội Gióng Phù Đổng 2011 chính thức kết thúc, ban tổ chức Hội Gióng Phù Đổng 2011 cùng các cụ cao niên trong làng đã tôn kính thực hiện nghi lễ báo công Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương và cầu Đức Thánh ban cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.


Các nghi lễ tế Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương luôn được thực hiện trang trọng và kính cẩn.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội), Trưởng ban tổ chức Hội Gióng Phù Đổng 2011 - cho biết: “Trong 3 ngày tổ chức, Hội Gióng năm nay đã thu hút trên dưới 6 vạn lượt du khách về tham dự. Tất cả những nghi lễ truyền thống của Hội Gióng như lễ rước nước, dâng hương đức Thánh, rước cờ… đã được giữ nguyên và tái hiện một cách sinh động, công phu.

Đặc biệt là trận đánh với sự tham gia của 1.300 lính trận trên đoạn đê hơn 2km làng Phù Đổng trong tiếng reo hò phấn khích và màn kéo ngựa thần dâng Đức Thánh Gióng dọc theo trận đánh vô cùng hấp dẫn du khách. Chính vì thế, chúng tôi đã thực hiện lễ tế báo công Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương ngay hôm sau khi lễ hội kết thúc”.

Về hiện tượng xô xát xảy ra trong buổi đánh trận chính Hội Gióng do người dân và du khách giành nhau lộc Thánh và một số đối tượng quá khích lợi dụng đông người quấy rối, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: “Việc xô xát dẫn đến ẩu đả của một số đối tượng trong trận đánh năm nay đã được BTC lường trước và bố trí lực lượng giải quyết tại chỗ nên đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc nào về người. Chúng tôi đã họp bàn để rút kinh nghiệm cho Hội Gióng năm sau”.


Những biểu hiện quá khích và tình trạng xỗ xát, ẩu đả tại trận đánh Hội Gióng cần phải được tuyên truyền và xử lý. (Ảnh: Duy Hậu)

“Lễ Hội Gióng Phù Đổng 2011 được tổ chức tưng bừng ngay sau khi đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được Unesco công nhận. Với quy mô lớn hơn hàng năm và lượng du khách đổ về vượt dự kiến, Hội Gióng Phù Đổng đã thực sự trở thành một điểm nhấn mang đậm dấu ấn văn hóa cổ xưa nhất của nền văn minh nông nghiệp, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”, ông Thuần khẳng định.

Theo: Dantri

Tin cùng chuyên mục