Hàm Yên phát triển du lịch nông nghiệp

Huyện Hàm Yên có nhiều lợi thế về nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu như cam sành, chè xanh, vịt Minh Hương, cá chiên Thái Hòa… Do đó, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đang được huyện hướng đến.

Ông Bùi Văn Quyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, 3 năm gần đây, huyện đón  hơn 100.000  lượt khách, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 80 tỷ đồng. Để thu hút khách du lịch, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ hội Động Tiên, chợ Thụt, hội đua ngựa và du lịch tâm linh... huyện chú trọng khai thác các điểm du lịch sinh thái Hồ Khởn, xã Thái Sơn; rừng Cham Chu, xã Minh Hương; khu du lịch sinh thái Cao Đường, xã Yên Thuận; khu du lịch xã Phù Lưu, Bình Xa gắn với phát triển du lịch nhà vườn...


Vườn cam hơn 30 năm tuổi tại Làng Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) là điểm đến thú vị
cho du khách tham quan và trải nghiệm.

Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, xã khuyến khích các hộ có điều kiện kinh tế chỉnh trang nhà cửa làm dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống quy mô vừa và nhỏ để thu hút khách du lịch về nghỉ dưỡng và tham quan vùng sản xuất cam. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến vùng cam mới chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh mà chưa có nhiều trải nghiệm với các hoạt động trong đời sống của người dân địa phương. Vì vậy, nguồn thu nhập của người dân từ các dịch vụ hầu như chưa có và chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch trải nghiệm chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa thu hút được khách du lịch.

Xã Tân Thành (Hàm Yên) có hơn 130 ha chè, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 3 và thôn 5 Làng Bát. Năm 2013, sản phẩm chè xanh Làng Bát đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện nay, hầu hết người dân trong thôn đã thực hiện đúng quy trình sản xuất chè sạch. Phương pháp làm chè bằng thủ công nay được người dân nơi đây đầu tư làm bằng máy vò chè, sao chè để nâng cao công suất, giảm sức lao động. Sản phẩm chè xanh Làng Bát nay được khách hàng biết ngày một nhiều hơn qua các cuộc hội chợ quảng bá sản phẩm của địa phương, qua các món quà nhỏ nhưng thắm đượm bản sắc vùng miền được người dân xứ Tuyên chọn tặng cho khách phương xa mỗi khi ghé thăm. Chè xanh Làng Bát trở thành “thương hiệu” của Hàm Yên. Nhờ có hương vị chè ngon, vùng nguyên liệu chè sạch nên Làng Bát cũng là địa danh được nhiều du khách ghé thăm. Chị Trần Ái Xuân, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, chị đến thăm Tân Thành không chỉ được ngắm những vườn cam ngút ngàn và còn thỏa thích chụp ảnh những vườn chè như bát úp. Điều này thật thích thú, hè này chị về Tân Thành, rồi đi Na Hang trải nghiệm lòng hồ.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ vùng cam sành, huyện Hàm Yên khuyến khích người dân sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, chú trọng xây dựng và giữ vững thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện thường xuyên đưa sản phẩm cam sành đi quảng bá tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Hàng năm huyện đều tổ chức lễ hội cam sành Hàm Yên để quảng bá, xúc tiến đầu tư, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút du khách về thăm, trải nghiệm vùng sản xuất cam sành Hàm Yên.

5 năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp của huyện đang khởi sắc. Anh Vương Ngọc Quang, thôn Đo, xã Bình Xa bắt tay thực hiện ý tưởng làm du lịch theo hướng nông nghiệp sinh thái. Anh Quang lựa chọn 1 quả đồi dưới dãy núi Cham Chu và cải tạo, xây dựng nhiều ngôi nhà sàn nhỏ để đón khách du lịch. Tại đây, anh Quang trồng nhiều loại hoa và cây ăn quả, từ bưởi, cam, chanh tứ thì, xoài, mít Thái Lan, nhãn lồng Hưng Yên… Sẵn có vốn tiếng Anh nên anh Quang kết nối được nhiều đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm. Anh thường xuyên giới thiệu tới khách du lịch về vùng cam sành, chè xanh của Hàm Yên và đưa khách đi tham quan, trải nghiệm dịch vụ thu hái, chăm sóc nông sản cùng bà con. Trung bình mỗi năm anh Quang đón từ 500 đến 700 lượt khách. Giá dịch vụ của Quang khá cao, rẻ nhất 1 ngày đêm 25 USD/người hoặc nếu khách thuê nhà nhỏ thì 65 USD/nhà/ngày đêm. Doanh thu về du lịch hàng năm của anh Quang đạt gần 1 tỷ đồng.

Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm. Để phát triển lâu dài và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện đang từng bước lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, đẩy mạnh liên kết sản phẩm du lịch. Đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn có thêm trình độ nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch…

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục