Độc đáo hội chọi dê ở Hàm Yên

Trong những ngày đầu xuân ở Tuyên Quang, du khách sẽ được tham gia rất nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong đó có hội chọi dê tại Lễ hội Động Tiên - Chợ Quê, xã Yên Phú (Hàm Yên). Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

 


Một pha đánh trong hội chọi dê tại Lễ hội Động Tiên - Chợ Quê huyện Hàm Yên năm 2018.

Dê là con vật gắn bó với cuộc sống với đồng bào vùng cao, được coi là con vật làm đổi thay cuộc sống, mang tới ấm no. Hiện trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều hộ nuôi dê tập trung ở các xã: Yên Lập, Yên Phú, Thành Lương, Bình Xa... với tổng đàn gần 20.000 con. Cùng với việc nuôi dê, từ xa xưa người dân ở đây vẫn thường cho dê chọi nhau, một mặt để giải trí, nhưng ẩn chứa sau đó là quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi. Tại huyện Hàm Yên, ngoài sới chọi dê ở xã Yên Phú còn có sới chọi dê ở xã Hùng Đức. 

Anh Nguyễn Văn Khuê, cán bộ khuyến nông xã Yên Phú cho biết, xuất phát từ ý tưởng muốn làm phong phú các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo du khách, năm 2012 anh đã tham mưu với lãnh đạo xã Yên Phú đưa hội chọi dê vào Lễ hội Động Tiên tổ chức hàng năm trong dịp đầu xuân.

Từ đó đến nay, chọi dê luôn được duy trì và được xem là một trong những phần hội thu hút đông đảo du khách nhất. Việc tổ chức lễ hội độc đáo này ngoài việc góp phần bảo tồn vốn văn hóa, thể thao truyền thống, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý đối với các loại vật nuôi trên địa bàn huyện, còn thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.

Trước khi thi đấu, dê chọi phải qua vòng thẩm định. Theo Ban tổ chức hội chọi dê, năm nay số lượng dê chọi đăng ký khá đông. Sau khi thẩm định, còn 16 dê chọi được sắp xếp thành 8 cặp đấu với hạng cân từ 50 đến 70 kg. Chọi dê mang nhiều nét độc đáo riêng. Dê chọi thường dùng miếng đánh bổ sừng, khóa sừng, khóa chân đối phương… Trong các miếng đánh thì miếng khóa chân đối phương tỏ ra lợi hại hơn cả. Dê đối phương khi bị khóa chân vào cặp sừng rất khó gỡ hoặc gỡ ra được thì chân bị đau mất khả năng chiến đấu. Miếng đánh bổ sừng thể hiện sự dũng mãnh của loài dê, khiến người xem vô cùng phấn khích. Để thực hiện miếng bổ sừng có uy lực, dê chọi phải có được khoảng cách phù hợp để lao bổ vào đối phương. Dê thua cuộc thường phải chạy hoặc không nghênh chiến.

Ông Phạm Văn Ninh ở thôn Loa, xã Thành Long là một trong những “thợ dê” khá nổi tiếng của huyện Hàm Yên chia sẻ, muốn có được một dê chọi tốt thì ngay từ khâu lựa chọn khá công phu. Chủ dê phải tìm được chú dê khỏe mạnh, thân hình cân đối. Tiêu chí quan trọng nhất là sừng to, ít cong, cổ to, ngắn; mặt dê trông dữ tợn hơn các con khác; đôi mắt luôn đỏ thể hiện sự hiếu chiến.

Dê chọi phải là dê ta, chân nhỏ, tai nhỏ (đây là tiêu chí phân biệt với dê lai). Dê ta có sức đánh dẻo dai, can trường và có những miếng đánh hiểm hơn dê lai. Sau khi lựa chọn được chú dê ưng ý thì cần chăm sóc chế độ đặc biệt hơn như tăng lượng cám ăn cho dê. Muốn có được những miếng đánh thì cần phải cho dê chọi thử với con dê khác trong đàn. Trước khi vào chọi thì phải cho dê tách đàn khoảng 1 tháng. Ngoài ra cần cho dê làm quen với chỗ đông người, bật loa đài để dê làm quen với những tiếng ồn lớn. Ngay từ khi lễ hội chọi dê được tổ chức, năm nào ông Ninh cũng có dê chọi tham gia và thường đạt giải.

Khác với hội thi chọi trâu, kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt. Còn những dê chọi đoạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống, giữ nguồn gen quý. Việc tổ chức giải chọi dê có ý nghĩa rất lớn, không chỉ khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi và duy trì chất lượng đàn dê trong huyện mà còn là một sân chơi bổ ích, tạo tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục