Chọi dê - Nét văn hóa đặc sắc của Hàm Yên

Với đồng bào các dân tộc miền núi ở huyện Hàm Yên, dê là vật nuôi quen thuộc, gắn bó với họ bao đời nay. Vào những ngày đầu xuân, bà con lại chọn những con dê đực to khỏe tham gia hội chọi dê. Đây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây trong những ngày đầu năm mới.

Nét riêng trong sới chọi

 

Xuân sang, nắng ấm tỏa xuống bản làng, hòa vào không khí nô nức trẩy hội đầu năm, du khách khắp nơi lại háo hức đón chờ trận “thư hùng” của các chú dê. Chọi dê Hàm Yên diễn ra từ 3 năm nay, đúng vào dịp tổ chức lễ hội Động Tiên từ mùng 9 tháng Giêng. Anh Nguyễn Văn Khuê, cán bộ khuyến nông xã Yên Phú (Hàm Yên) là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng tổ chức chọi dê. Anh cho biết: “Từ lâu nay, chọi dê được người dân tổ chức manh mún ở một số thôn, bản. Chúng tôi phát triển phong trào chọi dê với mong muốn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thu hút khách du lịch đến với Lễ hội Động Tiên. Đây cũng là dịp để bà con giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển đàn dê”.

 

Chọi dê được tổ chức hàng năm tại Lễ hội Động Tiên (Hàm Yên).
Ảnh: Quang Minh

 

Thường thì có khoảng trên 30 con dê tranh tài tại “sàn đấu” rộng 20 m2. Được biết, trước khi vào trận, mỗi “đấu sỹ” dê cần vượt qua những yêu cầu như: Cân nặng trên 50 kg trở lên, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh; dê có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được cán bộ thú y xã thẩm định kỹ lưỡng, tuyệt đối không mang dịch bệnh. Các “võ sỹ” có số báo danh và được bốc thăm thi đấu với hình thức loại trực tiếp. Những chú dê núi thường ngày hiền lành thơ thẩn kiếm ăn trên các sườn núi, nay được chủ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo và dạy cho những miếng đòn trông thật dũng mãnh.

 

Sau tiếng còi bắt đầu vào trận, hai chú dê chiến lao vào nhau, chúng sử dụng những cú nhảy cẩng ra đòn, màn bẻ chân, khóa chân, màn húc đẩy mãnh liệt… để hạ “nốc ao’’ đối thủ. Những chiến thuật khéo léo, pha ra đòn đẹp mắt nhằm thẳng vào đối phương, khiến người xem không thể rời mắt. Anh Phan Văn Tưởng, thôn 7 Thống Nhất, xã Yên Phú là một chủ dê cho biết, có những cặp dê quần thảo với nhau hàng giờ bằng những món “võ” độc đáo, hiếm thấy. Một con dê thi đấu tốt phải là con có bộ râu dài, sừng dáng cao, cơ bắp khỏe, đủ độ tuổi và cân nặng. “Võ sỹ” thắng trận sẽ được vào vòng trong. Nếu trong thời gian dài mà vẫn bất phân thắng bại thì trọng tài căn cứ vào “võ sỹ” nào tấn công nhiều hơn hoặc có miếng đánh hiệu quả hơn để quyết định phần thắng. Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Bình Ca, xã Tứ Quận (Yên Sơn) là một khán giả. Bà chia sẻ, có chứng kiến hội chọi dê mới thấy chúng cũng thi đấu quyết liệt, một mất một còn, ấn tượng không kém các hội chọi trâu, chọi bò. Các chú dê cứ nhảy tưng tưng lên rồi lao vào nhau, chẳng con nào chịu thua cả.

 

Anh Tạ Văn Tám, thôn 3 Thống Nhất, xã Yên Phú đoạt giải cao ở các cuộc chọi dê những năm trước. Anh cho biết, để chiến thắng, các chú dê không chỉ dựa vào sức khoẻ mà cũng phải có các đòn, miếng được chủ dê huấn luyện trước. Trước đó, khi chuẩn bị cho giải đấu anh đã phải chăm chút cho “võ sỹ” của mình suốt khoảng thời gian khá dài.

 

Một điều đặc biệt trong lễ hội chọi dê là thi đấu quyết liệt nhưng không con dê nào bị thương tích nhiều. Trải qua cuộc đấu, các chú dê như có sức mạnh hơn, can trường hơn. Cũng giống như các trò chơi khác được tổ chức trong các lễ hội, chọi dê không chỉ mang tính giải trí mà còn mang ý nghĩa duy tâm. Những con dê khỏe mạnh giành được chiến thắng sẽ mang lại nhiều may mắn cho người chăn nuôi.

 

Kết thúc giải đấu, các con dê được quy tụ lại đàn và tiếp tục được nuôi dưỡng sinh sản tiếp chứ không giết thịt như một số sới chọi trâu, ngựa. Lễ hội đã mang đến một không khí sôi nổi, vui tươi và tạo sân chơi bổ ích cho người dân.

 

Con vật gắn bó với đời sống con người

 

Con dê luôn thể hiện sự bền bỉ, quả cảm, chinh phục các đỉnh cao và khả năng sinh sản mãnh liệt. Thế nên, dê mang ý nghĩa tâm linh, gắn bó đời sống con người như biểu tượng sự sinh sôi phát triển nòi giống. Từ xa xưa, con người đã thuần hóa và nuôi dê lấy thịt, sữa, da...

 

Ở Hàm Yên, dê được nhiều hộ dân ở các xã như Yên Phú, Phù Lưu, Bằng Cốc, Yên Lâm, Minh Khương, Minh Dân... chăn nuôi để phát triển kinh tế. Đặc tính lành, gần với hoang dã giúp cho việc gây dựng và nuôi đàn dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà không tốn nhiều công chăm sóc. Anh Nguyễn Công Nguyên, thôn Trung Tâm, xã Minh Dân là một trong những hộ chăn nuôi dê ở xã. Anh cho biết, dê là con vật dễ nuôi và nhanh sinh sản lại chủ động được thời gian chăn thả nên việc chăn nuôi, phát triển không khó. Trung bình 1 con cái đẻ một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng từ 25 - 35 kg là được bán. Chỉ thời gian ngắn phát triển nuôi dê, giờ anh đã tìm thấy niềm vui khi đã có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Đức cũng ở thôn Trung Tâm, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng từ nuôi dê. Anh cho biết, muốn nuôi dê có hiệu quả cần phải chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chuồng nuôi phải thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo được nhiệt độ phù hợp mỗi mùa.

 

Đa số những người nuôi đều muốn tham gia chọi dê để chọn ra những con to khỏe và đẹp nhất làm con đầu đàn có vai trò bảo vệ, duy trì nòi giống. Hàm Yên là một trong những địa phương duy nhất ở Tuyên Quang tổ chức chọi dê. Được biết, ngoài xã Yên Phú thì xã Yên Thuận cũng đã tổ chức hội thi chọi dê vào dịp đầu năm mới. Anh Ma Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết: “Hội thi chọi dê là một sáng kiến hay được bà con ủng hộ. Nhiều hộ gia đình giờ đây đã có thêm một mục đích mới là chăm chút cho những chú dê nhà mình thật khỏe để còn “rinh” giải vào những hội chọi sau”. Sau những màn thi tài quyết liệt nhưng không kém phần đẹp mắt, các “đấu sỹ” dê trở lại với vai trò “thủ lĩnh”, ngày ngày dẫn “đại gia đình” của mình đến những triền cỏ non.

 

Đến với Hàm Yên trong ngày đầu xuân, chúng ta không chỉ hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp miền sơn cước mà còn chứng kiến cuộc tranh hùng nảy lửa của “đấu sỹ” dê. Dường như, không khí sôi động của những sới đấu như lời chúc năm mới vui tươi, an lành dành cho mọi người./.


TheoTQĐT

Tin cùng chuyên mục