Cầu làng

Nghi lễ cầu làng có ở một số dân tộc nhưng có vẻ như biểu hiện “đậm đặc” nhất ở dân tộc Dao Quần trắng. Tại thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên), đồng bào Dao Quần trắng hiện nay vẫn giữ gìn và phát huy nghi lễ cầu làng có từ rất xa xưa. Cầu làng trở thành một phong tục, nét văn hóa tâm linh đặc sắc rất riêng giúp cư dân bản địa gắn kết với nhau hơn.


Lễ cúng cây to gần khu vực miếu thờ làng Văn Nham.

Cấm chặt cây to

Vào mồng 2 tháng 2 âm lịch, không khí làng Văn Nham, xã Hùng Đức như tưng bừng hơn. Từ nhiều ngả đường trong làng, sáng sớm các hộ gia đình đã tấp nập đổ về nhà ông phó trùm làng Triệu Văn Sóc để làm lễ cầu làng. Theo người dân Văn Nham, cầu làng hiểu nôm na là một nghi lễ cầu cho dân làng mình luôn được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cầu làng là một quy ước bất thành văn của thôn nhưng nó có uy lực rất lớn.

Người Dao Quần trắng quan niệm linh hồn các thánh thần thường trú ngụ trên các ngọn cây to trong làng. Các thần linh giúp bảo vệ sức khỏe, mùa màng, vật nuôi của dân làng, xua đuổi tà ma. Bắt đầu từ ngày làm lễ cầu làng cho tới hết tháng âm lịch đó tuyệt đối các hộ gia đình trong làng không ai được phép chặt cây to, vì chặt cây to sẽ động tới các vị thần linh, gây ra “động” làng. Hộ nào vi phạm, nếu trong làng xảy ra một chuyện gì không thuận, gia đình đó phải chịu trách nhiệm trước dân làng. Nên ở thôn Văn Nham, ai muốn chặt cây to trong vườn đều phải tranh thủ chặt trước ngày diễn ra lễ cầu làng và hộ nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Trong tháng cầu làng, người dân Văn Nham cũng không cho phép ai kéo cây gỗ to qua làng mình.

Trong ngôi nhà sàn lợp lá cọ truyền thống, ông trùm làng Lý Văn Chuyền, dân tộc Dao Quần trắng, thôn Văn Nham cho biết, một năm diễn ra 3 lần cầu làng. Lần thứ nhất cầu làng diễn ra vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch với mong muốn cầu cho nhà nhà khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lần thứ hai diễn ra vào ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch với ý nghĩa lễ bắt và xua đuổi sâu bọ trên những cánh đồng trong làng. Lần thứ ba diễn ra vào ngày 25 tháng Chạp với ý nghĩa lễ tổng kết cuối năm, xem một năm trong làng các hộ làm được gì và chưa được gì, hướng khắc phục trong năm tới. Cứ 3 năm một lần các hộ dân ở thôn Văn Nham lại họp vào buổi cầu làng cuối năm để bầu ra ông trùm làng, ông phó trùm làng và ông thư ký làng. Nếu ông trùm làng có uy tín với dân làng vẫn có thể tái đắc cử trong lần bầu tiếp theo. Ông trùm làng giữ vai trò là thầy cúng trong làng và đã có bài vị cấp sắc. Ông phó trùm làng là ông chủ gia đình được chọn để làm lễ cầu làng, cứ 3 năm lại luân chuyển sang gia đình khác. Ông thư ký làng giúp dân làng ghi chép sổ sách mọi khoản chi tiêu, đóng góp của các hộ trong năm.

Trước vài ngày diễn ra cầu làng, ông phó trùm làng có nhiệm vụ đi gõ mõ mời các hộ tới bàn định hướng. Vào ngày cầu làng, từ sáng sớm ông phó trùm làng cũng phải đi gõ mõ để báo cho các hộ tới dự. Theo quy định mỗi hộ tới dự 1 người, khi đi các hộ mang theo 1 chai rượu, 2 bát gạo tẻ, 3 thẻ hương, một ít tiền vàng, 100 nghìn đồng để đóng góp tổ chức lễ cầu làng. Hiện nay thôn Văn Nham có 62 hộ, nhưng chỉ có 48 hộ được làm lễ cầu làng tại miếu Văn Nham. Quan niệm của người Dao Quần trắng ở đây, tuy vẫn là địa giới hành chính của thôn nhưng do cách suối nên 12 hộ trong thôn phải lập miếu cầu làng lấy tên gọi khác đi, gọi là miếu Cây Thị, 2 hộ khác cũng cách suối phải lập miếu cầu làng Thọ Đình. Như vậy, thôn Văn Nham được chia thành 3 làng khác nhau, các làng đều bầu ra trùm làng, phó trùm làng và thư ký làng như nhau, tổ chức cầu làng giống nhau.

Ngay từ sáng sớm ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch năm Giáp Ngọ 2014, căn nhà sàn lợp lá cọ của ông phó trùm làng Triệu Văn Sóc đã rất đông người đến góp lễ cầu làng đầu năm và tất nhiên là không thể thiếu một đại diện của hộ gia đình nào. Thanh niên trong làng thì được giao thịt con lợn hơn 60 kg và 3 con gà để cúng. Các bà, các chị  thì lo gói xôi làm lễ, chuẩn bị bữa cơm trưa. Ông phó trùm làng, một số người cao tuổi có uy tín trong làng cùng phụ giúp ông trùm làng làm lễ cúng. Nguyên tắc thầy cúng chỉ được cúng ở góc nhà gia chủ. Mâm cúng gà để cả con, lợn pha miếng, gan lợn để nguyên bộ, có chén để rượu, rau, gạo. Trong mâm còn có 3 gói xôi được gói bằng lá dong tươi có cắm cờ làm bằng giấy trắng và gắn 2 bông lúa nếp, tẻ để đại diện cho 48 gói xôi được làm tương tự đặt ở mâm bên cạnh. Ở giữa mâm cúng có 1 bát hương, 1 đèn dầu, 1 thanh kiếm cổ, 5 đồng âm dương, 2 thẻ tre xin âm dương và 6 cái thẻ tre. Thầy cúng viết chữ Nho vào thẻ tre xong thì vung kiếm làm lễ, xin quẻ âm dương. Cúng xong ông phó trùm làng có nhiệm vụ mang hương ra miếu làng cắm và cắm cả vào các gốc cây to quanh miếu. Mang 6 thẻ tre đi cắm ở phía giáp ranh Đông-Tây-Nam-Bắc của làng, còn 1 thẻ cắm ở miếu của làng, 1 thẻ nữa cắm ở nguồn nước suối của làng. Các thẻ tre trên có nhiệm vụ xua đuổi tà ma, sâu bọ, dịch bệnh, điều dữ vào làng mình. Ông phó trùm làng căn cứ vào tình hình tốt-xấu của làng trong năm mà làm lễ chuyển hướng tống cái xấu sang phương khác. Rồi ông trùm làng kết thúc làm lễ đón cái tốt đẹp vào làng ở một hướng tương ứng, như thế mọi việc trong làng luôn hanh thông, tốt đẹp.

Sau khi lễ cúng cầu làng xong, đại diện các hộ góp lễ sẽ lần lượt chấm ngón tay trỏ vào bát nước luộc thịt và bát nước lã đã được thầy làm phép đưa lên miệng mút nhẹ để cầu may, cầu phúc và tổ chức bữa ăn trưa thân mật. Các thức ăn còn thừa sẽ được chia đều về cho các hộ thụ lộc làng. Khi ra về ông trùm làng phân phát cho mỗi hộ 1 gói xôi được gói bằng lá dong tươi có que tre cắm cờ làm bằng giấy trắng và gắn 2 bông lúa nếp, tẻ đã được làm phép. Gói xôi này sẽ được các hộ chia cho các thành viên trong gia đình ăn lấy may mắn. Còn cái que tre có cắm cờ làm bằng giấy trắng và 2 bông lúa nếp, tẻ gắn bên trên thì được cắm lên ban thờ trong gia đình thờ cúng trong năm. Trong thời gian 3 ngày sau khi diễn ra cầu làng, ông trùm làng và phó trùm làng phải tránh mặt, không được lên nhà nhau. Cầu làng đầu năm, giữa năm, cuối năm ý nghĩa khác nhau nên nghi lễ cúng cũng có thay đổi chút ít, song về cơ bản là tương đối giống nhau.
 


Gói xôi tại Lễ hội Cầu làng.

Bản sắc và nông thôn mới

Thôn Văn Nham cách UBND xã Hùng Đức 2 km về phía Bắc, là thôn có mức sống người dân nằm trong tốp đầu các thôn trong xã. Tiếp chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Văn Nham Lý Đình Quý khoe, thôn có 62 hộ gia đình đều là đồng bào dân tộc Dao Quần trắng, trong đó có 50% số hộ khá, giàu. Thế mạnh kinh tế của thôn là trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng. Chi bộ có 8 đảng viên luôn nêu cao tinh thần đầu tầu gương mẫu, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Nhờ có sự quan tâm của tỉnh, huyện mà các hộ trong thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, một số tuyến đường trong thôn đã được trải bê tông, cuộc sống người dân có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ ở nhà sàn truyền thống nhưng đã sắm được các thiết bị phục vụ gia đình hiện đại như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, xe máy, máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa, ô tô tải...

Thời điểm này người dân thôn Văn Nham đã cấy xong lúa vụ xuân. Những cánh đồng lúa xanh rờn, xa xa xen lẫn bóng dáng các cây cổ thụ bên mái nhà sàn truyền thống. Khung cảnh làng quê nơi đây trở nên gần gũi, hữu tình. Nhờ có tục cầu làng mà các thành viên trong thôn đều có ý thức hơn trong việc giữ các cây to trong làng, giữ rừng khá tốt. Các cây to trong làng sẽ giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sống, thực sự là “lá phổi xanh” của làng. Người dân tộc Dao có truyền thống lấy thuốc nam rất giỏi nên đối với họ ứng xử với rừng nguyên sinh còn là một đạo lý nhớ ơn rừng. Dạo quanh thôn Văn Nham thấy các bà, các chị nơi đây vẫn “trung thành” với trang phục dân tộc mình và ăn vỏ cây rừng cho răng đen. Bà Hoàng Thị Tham, năm nay đã 67 tuổi nhưng vào buổi tối bà vẫn dạy các con, các cháu xe tơ, dệt, thêu vải thổ cẩm. Từ đó, bà Tham làm ra các sản phẩm như yếm, địu, mũ, khăn, quần, áo của người Dao quần trắng. Ngoài giữ gìn bản sắc dân tộc của cha ông, bà Tham còn có một khoản thu nhập đáng kể để nuôi các con ăn học trưởng thành.

Ông Đặng Văn Kiến, một người cao tuổi có uy tín trong làng dẫn tôi đi một vòng quanh thôn rồi bảo, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tới được từng nhà trong thôn. Giờ người dân trong thôn đang đua nhau xây hầm biogas phục vụ chăn nuôi, vừa có chất đốt lại bảo vệ môi trường. Đó cũng là việc làm cụ thể, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng xanh-sạch-đẹp hơn. Giờ nhiều hộ có tiền xây nhà to nhưng các hộ trong thôn vẫn giữ được 25 nhà sàn cột gỗ, mái lợp lá cọ truyền thống. Trong thời gian gần đây đã có 4 hộ gia đình không xây nhà mà chuyển sang làm nhà sàn cột bê tông, trên lợp lá cọ, vừa giữ được bản sắc dân tộc mình, vừa lại bền vững. Ở Văn Nham, bản sắc văn hóa dân tộc Dao Quần trắng vẫn được giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác cho dù kinh tế thị trường đã gõ cửa từng nhà. Đối với người Dao Quần trắng ai sinh ra nhìn thấy mặt trời trước vẫn gọi bằng anh. Con trai lên 10 tuổi thì làm lễ cấp sắc và thay tên gọi mới. Tên gọi trong một đời người cũng có nhiều thay đổi. Khi sinh con ra mọi người sẽ gọi tên bố mẹ bằng tên con cả cho dù đó là trai hay là gái. Lúc có cháu nội hoặc cháu ngoại, thì lấy tên cháu nội, cháu ngoại cả để gọi xưng hô cho ông bà.

Văn Nham đang vươn lên từng ngày trong phát triển kinh tế nhưng bản sắc văn hóa còn nguyên bản. Cầu làng là một hình thức cúng cầu an tập thể, thể hiện tính cộng đồng có tổ chức rất cao của người dân nơi đây. Và đã có sự đồng lòng cao giữa các hộ dân trong làng thì mọi việc khó mấy quyết cũng thành công. Cầu làng thực sự là nét văn hóa tâm linh ẩn sâu, tô đẹp cho cuộc sống của người dân tộc Dao Quần trắng Văn Nham nói riêng và dân tộc Dao quần trắng trên địa bàn tỉnh ta nói chung.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục