Người đưa cam sạch ra thị trường

Để lên vườn cam sành theo hướng hữu cơ của các thành viên Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương (Hàm Yên) phải tăng bo xe máy mấy lượt. Ở lưng chừng núi là vườn cam sai trĩu, quả bám vào nhau, đấy là thành quả cả một năm chăm sóc kỳ công của người dân sắp đến mùa thu hoạch. “Cam sành Minh Khương để cả tháng không thối nếu thu hái và bảo quản không bị dập vỏ. Độ ngọt được đánh giá cao nhất vùng Hàm Yên” - anh Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Minh Khương khẳng định.

 

Mồ hôi đổ xuống...

Anh Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Minh Khương bảo, bây giờ các loại nông sản rất phong phú, cam cũng đã nhiều nơi trồng được, vì thế để cam Hàm Yên nói chung và cam Minh Khương nói riêng có thể bán với giá tốt thì không chỉ ngon mà còn phải sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Làm tốt điều này thì mới mong làm giàu được từ cây cam.

Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương vừa thành lập cuối năm 2020 với 7 thành viên với trên 60 ha cam. Thành viên hợp tác xã là những hộ có diện tích cam nhiều, trồng nhiều năm nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. Anh Nguyễn Bảo Anh, thành viên hợp tác xã cho biết, gia đình anh có 1,5 ha cam sành đã trồng 7 - 10 năm, sản lượng cho thu đều đạt khoảng 10 - 20 tấn quả/năm. Khoảng 3 năm trước anh chăm sóc cam theo đa số hộ dân, bón phân hóa học và dùng thuốc hóa học nhưng nay không dùng nhiều nữa, lượng phân vô cơ và thuốc trừ sâu đã giảm hơn một nửa vì có hại cho đất, cây trồng và cả người chăm sóc, người tiêu dùng.

Để minh chứng, Bảo Anh lật những quả cam xanh, phân tích: Cuống cam và lá cam có màu xanh thẫm là do cây có sức sống khỏe hơn, đầy đủ dinh dưỡng do được chăm bón nhiều phân chuồng ủ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, quả cam không được đẹp mã như chăm sóc vô cơ. Đây cũng là điều người trồng cam theo hướng hữu cơ lo lắng nhất. Theo lời Bảo Anh thì chuyển từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ đã mất một thời gian đất mới phục hồi được, cây trồng mới thích nghi lại, chi phí sản xuất lại cao gần gấp đôi mà năng suất cũng như mẫu mã không được đẹp.  

Anh Mai Văn Phi (bên trái) Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cam với thành viên.

Giám đốc Phi đã vận động xã viên nên chuyển đổi từ sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm và chăm sóc theo hướng có lợi cho đất đai, cây trồng và sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng. Đi đầu, làm trước, anh Phi đã chuyển 2 ha cam của gia đình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Vụ cam năm 2021 là vụ thứ hai, cả vườn bạt ngàn cam không có mùi thuốc bảo vệ thực vật, những khóm cỏ được phát sát đất và cả những thiên địch có ích cho cam đua nhau sức sống... Anh Phi bảo, chăm sóc cam giai đoạn từ lúc nuôi quả đến lúc thu hoạch rất quan trọng. Đây là giai đoạn quả cam phát triển rất nhanh, khả năng tích lũy đường bột trong quả tăng cao nên cây cần rất nhiều dưỡng chất thiết yếu để giúp cho quả ngọt, hương vị thơm ngon và không bị nứt. Giai đoạn cắt tỉa chính của cây cam là vào mùa đông, thời điểm sau mỗi vụ thu hoạch. Còn giai đoạn này cắt tỉa với mục đích tập trung dinh dưỡng cho quả. 

Cây cam rất cần nước nhưng rễ của chúng lại rất sợ nước. Chúng rất cần nước vào mùa khô, thời điểm này cần tưới nước bổ sung để cho độ ẩm của đất đạt từ 60 - 70%, hợp nhất cho cây cam thời kỳ nuôi quả. Việc làm cỏ  theo hình chiếu của tán cây cách gốc ít nhất 1m. Phần cỏ còn lại trong vườn cần được giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi. Lượng phân bón nuôi trái  chủ yếu từ bột đậu tương, phân gà, đạm cá... để gia tăng hương vị tự nhiên cho quả.

Hướng mắt từ đỉnh đồi xuống mới cảm nhận được nỗi vất vả và sự nỗ lực vượt khó của người dân. Để có quả cam sành tươi ngon, quả là phải đổ bao mồ hôi và công sức. Lên vườn cam chúng tôi phải ngồi sau xe máy của các “phượt thủ đồi cam” gần 5 km trên con đường bê tông rộng chỉ vừa cái xe đi. Tôi chỉ biết nhắm tịt mắt lại cho đến khi chiếc xe đến vườn cam và dừng lại. Anh Phi kể, trước không đi được xe máy đâu mà phải đi bộ mất cả tiếng mới đến nương cam. Sau này, sản lượng cam nhiều anh cùng với hai hộ dân đã mở đường, đổ bê tông để chuyển cam xuống. Trong gian khó thì phải càng quyết tâm và sáng tạo mới mang lại thành quả ngọt ngào.

Xây dựng thương hiệu cam sạch

Anh Phi kể, những vụ cam trước anh đã đưa cam đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương... Anh Phi chia sẻ, đi nhiều mới thấy người dân các tỉnh chưa biết nhiều đến cam Hàm Yên, đó là điều anh trăn trở nhất, vậy nên anh đã cố gắng đưa cam vào chuỗi nhà hàng, siêu thị. Cam Hàm Yên được nhiều người biết đến hơn.

Anh Phi tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm của xã Minh Khương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Anh bảo, phải tham gia mới thấy những ưu điểm cũng như hạn chế của mình để hoàn thiện, học hỏi để làm kinh tế hiệu quả hơn. Bản thân anh Phi đã từng đi lao động xuất khẩu tại Malaysia, làm nhân viên cho Công ty viễn thông Viettel, làm đại lý phân bón, thức ăn chăn nuôi... Mỗi nghề đều đem lại cho anh sự trải nghiệm và biết thêm nhiều khía cạnh của cuộc sống. Anh bảo, khi bắt tay trồng cam hơn 10 năm trước, đã đặt ra mục tiêu là phải xây dựng thương hiệu riêng cho mình với các tiêu chí cụ thể là ngon, sạch, đẹp, chứ không làm theo phong trào bởi nếu không tính toán sẽ không tồn tại lâu.

Vậy là hơn 20 ha cam các loại của anh Phi được trồng theo quy hoạch, với 3 khu gồm khu cam sành, khu cam V2, khu cam Vinh. Chỉ tay vào khu cam sành đã trên 10 năm tuổi, anh chia sẻ đó là vườn cam của bố mẹ anh trồng, anh thừa kế lại khoảng 3 ha, toàn bộ diện tích này anh đã chuyển sang chăm sóc hữu cơ 2 vụ, quả cam tuy hơi nhỏ nhưng độ ngọt sâu và đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, an toàn tuyệt đối với người tiêu dùng. Còn gần hơn 7 ha cam sành anh đang chuyển đổi dần sang hướng hữu cơ.
Anh tâm sự, quả cam đã gắn bó với anh, với mảnh đất Minh Khương cả chục năm, nhưng 3 năm gần đây, quả cam sành không có lãi vì giá bán thấp, chất lượng dần bị giảm sút do người dân không chăm sóc đúng. Anh đã trăn trở nhiều và cũng xoay mọi cách cùng với người dân tìm ra phương pháp chăm sóc tốt nhất để cam Minh Khương nói riêng và cam Hàm Yên nói chung không bị mất thương hiệu.
Lấy trong tủ ra sấp tem, anh Phi khoe: “Vừa hoàn thành việc lớn đó là làm tem truy xuất nguồn gốc cho cam của Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương. Có truy xuất nguồn gốc, cam của xã viên hợp tác xã sẽ đường hoàng vào được siêu thị, lên được các sàn thương mại điện tử”. Anh bảo, vụ cam năm nay, anh sẽ mở một cửa hàng tại thành phố Tuyên Quang để giới thiệu, cung ứng cam đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Từ đổi mới tư duy trồng và chăm sóc đến hướng xây dựng thương hiệu cho cam đều được anh Phi tỉ mỉ, bền bỉ làm những năm qua với mong muốn giữ được cây cam cho người dân Minh Khương phát triển kinh tế, giữ thương hiệu trái cây đặc sản cho cam Hàm Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương khẳng định, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương Mai Văn Phi là người năng động, dám nghĩ, dám làm và có trách nhiệm đối tạo dựng và phát triển cam của địa phương theo tiêu chuẩn để vươn xa hơn. Đây là hướng đi bền vững cũng đang được xã triển khai trên diện rộng....

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục