Hàm Yên dưỡng chất cho cam sau mùa thu hoạch

Huyện Hàm Yên hiện có hơn 7.200 ha cam sành. Thời điểm này, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc cam sau thu hoạch để cây cam sinh trưởng tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ cam năm 2020 - 2021.

Vụ cam năm 2019 - 2020, sản lượng cam thu hoạch toàn huyện đạt 90.000 tấn. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam cho bà con nông dân. Chị Trần Thị Cường, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, vườn cam của gia đình chị đã 5 - 6 năm tuổi cho quả sai, chăm sóc tốt có thể thu cả tạ quả mỗi cây/vụ. Sau khi thu hoạch, từ tháng 2, gia đình chị tập trung chăm sóc cam theo hướng hữu cơ. Chị Cường sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục, đỗ tương ngâm, ủ cá làm “thức ăn” cho cam.


Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) chăm sóc cam sau thu hoạch.

Xã Tân Thành có hơn 950 ha cam, trong đó cam cho thu hoạch 800 ha. Sau khi thu hoạch, ở một số vườn cam có nhiều cỏ dại mọc. UBND xã đã hướng dẫn người dân cùng với việc bón phân cho cam cần phát quang cỏ, cắt, tỉa cành tạo độ thông thoáng; cắt bỏ những cành, lá xuất hiện bệnh để bệnh không lây lan. Xã hướng dẫn người dân lựa chọn các sản phẩm thuốc hữu cơ vi sinh để trừ bệnh. Ngoài ra, những vườn cam già thường mắc bệnh vàng lá thối rễ, UBND xã tuyên truyền hướng dẫn người dân bón phân hữu cơ, phân vi sinh, nếu bón phân vô cơ cần cân đối với độ phì của đất. Sau khi cây hồi phục, sử dụng phân bón lá để cung cấp trực tiếp dinh dưỡng cho cây, hạn chế tổn thương bộ rễ, loại bỏ các cây bị bệnh nặng…

Chị Lê Thị Chuyên, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên đang tập trung nhân lực chăm sóc, bón phân cho cây cam. Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, chị cho biết, ngoài việc bón phân đúng tỷ lệ, quy trình thì việc làm cỏ, xới đất là rất quan trọng. Gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn để cho rễ cây cam phát triển. Cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong thời kỳ “dưỡng sức” nên chị luôn chú ý theo dõi, cung cấp nước đầy đủ cho cây; cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, yếu, cành đâm xuyên tán để cho cây được thoáng khí.

Ông Kiều Anh Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, thời điểm này cây cam bắt đầu cần nhiều dưỡng chất để phục hồi sau một thời gian dài dưỡng quả. Nếu không được chăm bón kịp thời, đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến mùa thu hoạch năm sau. Vì vậy, Trung tâm đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn cho bà con thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại như: Nhện đỏ, rệp, sâu vẽ bùa, bệnh kẹo lá, loét lá… Trung tâm đã khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. 

Để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, UBND huyện Hàm Yên khuyến khích người dân chăm sóc cam theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Riêng năm 2019, toàn huyện có thêm 458 ha cam chăm sóc theo quy trình VietGAP, đưa tổng diện tích cam VietGAP đạt gần 700 ha. Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 200 ha cam được chăm sóc theo quy trình VietGAP và có 24 ha cam được chăm sóc theo hướng hữu cơ, góp phần phát triển vùng cam bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.    

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục