Cam sành trên đất Hàm Yên

Tuyên Quang từ lâu nối tiếng là vùng đất sinh ra các cô gái xinh đẹp dịu dàng, đằm thắm đã đi vào thi ca, nhưng không phải ai cũng biết nơi đây còn có một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao và đang từng bước giúp người dân địa phương làm giàu. Đó chính là cây cam sành Hàm Yên.


 
Cam sành Hàm Yên

 

Làm giàu nhờ cam sành

Vượt qua con đường cấp phối dài khoảng 7 cây số từ trung tâm huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, chúng tôi theo chân chị Nông Thị Hương, Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đến với xã Phù Lưu, một trong các xã trồng cam sành nhiều nhất huyện. Chị Hương nói, mùa thu hoạch cam ở đây thường bắt đầu từ cuối tháng 11 đến hết tháng giêng âm lịch. Dọc hai bên đường là màu vàng tươi của những trái cam chín trĩu cành từ những vườn cam sành nằm trải từ chân lên tới đỉnh núi. Cứ khoảng vài cây số lại thấy xe tải lớn, nhỏ mang biển số của nhiều địa phương khác nhau Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đang bốc hàng lên xe. Tiếng của chủ xe, cùng tiếng mời chào, trả giá của các chàng trai, cô gái Dao, Nùng, Tày bán cam tạo ra âm thanh không khí thật sôi động.

Cây càm sành là cây ăn quả truyền thống đã được nhân dân các dân tộc huyện Hàm Yên trồng từ lâu đời trên núi cao. Cam sành Hàm Yên là loại quả cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao. Thành phần múi chứa từ 6-12% đường, hàm lượng vitamin từ 40-60mg/100 gam cam tươi, các axit hữu cơ từ 0,4- 12%, trong đó có nhiều loại axít có hoạt tính cao. Trong cam sành Hàm Yên còn có nhiều chất khoáng và dầu thơm.

Theo chị Hương trước đây, việc phát triển cây cam sành tại Hàm Yên còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng tập trung. Sản xuất mang tính tự phát, không được đầu tư thâm canh, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp. Từ năm 2000, huyện Hàm Yên đã triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng đầu tư mở rộng và thâm canh cây cam sành. Đến nay, toàn huyện đã có 2.480 ha cam sành, trong đó diện tích vườn cam cho thu hoạch là 2.260 ha, năng suất 11-12 tấn/ha. Nhiều trang trại cam sành đã được hình thành và phát triển cho thu nhập ổn định. Có trang trại thu trên dưới một tỷ đồng mỗi năm như trang trại của ông Hà Văn Minh ở thôn Pác Cát, ông Hoàng Văn Chúng ở thôn Nậm Nương. Hầu hết các nhà trồng cam đều xây nhà mới, trong nhà có tivi, xe máy, con cái đều được đi học. Có nhà còn sắm cả ô tô để chở cam đi bán ở các tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch Hội cam sành Hàm Yên phấn khởi khoe: “Năm nay, Hội cam sành Hàm Yên phối hợp với phòng Nông nghiệp, Trung tâm cây ăn quả của huyện xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở đối với cây cam sành. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng cam sạch đến từng hộ gia đình ngay từ đầu vụ, nên chất lượng cam sành năm nay hơn hẳn các năm trước, mẫu mã cũng đẹp hơn. Người mua đến trả giá tại vườn mỗi cân 10.000 đồng mà chưa chắc đã mua được” .

Đồng hành cùng nông dân

Chủ tịch UBND huyện Lê Tiến Thắng cho biết: Huyện luôn ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào cải thiện quy trình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Theo đó cam sành Hàm Yên đã từng bước tiếp cận thị trường, người nông dân chủ động nắm bắt thông tin và thực hiện giao dịch mua bán sản phẩm với các điểm đại lý, các chủ mua bán lớn trên toàn quốc.

Ngoài ra, Phòng nông nghiệp, trung tâm cây ăn quả của huyện thường xuyên cùng Hội cam sành tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm chăm sóc thu hoạch trái cây ở Lạng Sơn, vùng miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng các kỹ thuật cắt bằng kéo mới, vận chuyển bằng ròng rọc vừa giúp giảm chi phí vừa tránh được quả bị bầm dập, hỏng. Trước mỗi vụ thu hoạch UBND huyện cũng thành lập đoàn đi khảo sát thị trường tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh nhằm nắm bắt tình hình thị trường, ký hợp đồng tiêu thụ với các cửa hàng, siêu thị lớn như Intimex, Hapro, Fivimart... thuê thiết kế nhãn hiệu, bao bì chuyên dụng, in tờ rơi, thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết.

Một mùa xuân nữa lại về trên vùng cam Hàm Yên với những nông dân đang quyết tâm làm giàu từ núi rừng quê hương. Chia tay Hàm Yên trên môi chúng tôi vẫn còn đậm vị chua chua, ngọt ngọt của cam sành, văng vẳng bên tai câu thơ của một đồng nghiệp đi cùng đoàn:

“Ai nao nức hãy cùng lên nhé
Dặm đường vui nào kể xa xôi
Chợt nghe lịm ngọt bờ môi
Hương cam đẫm chất núi đồi... và em”

Dân tộc và phát triển

Tin cùng chuyên mục