Cam sành Hàm Yên tất bật vào vụ Tết

Những ngày này, khi cánh đào khoe sắc thắm cũng là thời điểm cam sành Hàm Yên chín rực, nhuộm vàng óng trên lưng đồi, bao trùm lên những thôn, bản trù phú. Trên các đồi cam, nông dân tất bật, nhộn nhịp vào mùa thu hoạch quả để gửi gắm những trái cam sành thơm ngon, bổ dưỡng đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.

Hàm Yên dịp này, những chiếc xe tải lớn, nhỏ mang biển số Hải Phòng, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sài Gòn... chất đầy cam nối đuôi nhau hối hả về xuôi phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Cũng trong thời gian này lượng nhân công đổ về làm thuê rất đông. Từ khi chợ đầu mối Tân Thành đi vào hoạt động, các loại xe container, xe tải lớn bé đợi bốc hàng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam nhiều hơn rõ rệt. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Đặng Văn Bảo cho biết, thị trường ngày càng được mở rộng, nhu cầu thu mua cam dịp Tết tăng cao nên ngay từ sáng sớm người dân đã chuẩn bị mọi phương tiện, tập trung nhân lực thu hái những quả cam chín vàng, mọng nước để kịp cho những chuyến hàng chuyển về xuôi. 


Cán bộ Ban Quản lý Chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) thăm vườn cam xã Tân Thành (Hàm Yên).

Nghề cắt, gánh cam thuê hình thành ở Hàm Yên đã từ lâu. Anh Thèn Đức Tiến ở xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần (Hà Giang) đã có 7 mùa cam gánh thuê. Vụ cam năm nay, anh Tiến kiếm được hơn 15 triệu đồng sắm Tết. Anh dự kiến làm thêm từ nay đến 28 - 12 âm lịch kiếm thêm 2 triệu đồng để về quê. Còn vợ chồng người Dao đỏ Triệu Mùi Nái và Phượng Quỳ Lượng đến từ huyện Xín Mần (Hà Giang) có 4 năm gánh cam thuê ở Hàm Yên. Anh Lượng bảo, từ công việc thời vụ này, vợ chồng anh Lượng dành dụm được chút vốn làm ăn, mua được xe máy, sắm được cái ti vi… Tết này ấm cúng, no đủ hơn. 


Người dân Hàm Yên thu hoạch cam đáp ứng thị trường Tết.

Ông Lương Văn Nho, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ trồng cam VietGAP thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành cho biết: Hiện trong tổ trồng cam VietGAP có 20 thành viên, tổng diện tích cam sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 40 ha. Dịp này, vườn cam của ông và các hộ trong tổ được thương lái tận Sài Gòn đặt mua. Dự kiến từ nay đến Tết, tổ sản xuất cam của ông cắt bán hơn 100 tấn cam. Vì thế, các hộ gia đình phải thuê thêm cả chục nhân công cho kịp tiến độ. 

Cam sành Hàm Yên là thứ quả quý được bày trên mâm ngũ quả cúng gia tiên của mỗi gia đình người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Cam sành Hàm Yên có vị ngọt, thanh mát, nên vào dịp Tết cam sành Hàm Yên càng đắt hàng hơn. Vùng đặc sản cam sành Hàm Yên gồm 13 xã, thị trấn, ven hai bờ sông Lô có tầng đất phù sa cổ dày, độ dốc vừa phải, khô ráo và thoáng mát. Với tổng diện tích hơn 7.200 ha, sản lượng hàng năm từ 90 - 100 nghìn tấn, tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những năm gần đây, người dân vùng cam Hàm Yên áp dụng mô hình sản xuất cam an toàn theo quy trình VietGAP, cam hữu cơ nên chất lượng cam sành được nâng lên.


Cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; thương hiệu vàng nông nghiệp 2019.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, sau khi cam sành Hàm Yên được xây dựng thương hiệu năm 2007, thì niềm vui đến với người dân Hàm Yên đấy chính là cam sành tiếp tục nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. Cây cam đã trở thành cây đặc sản có ưu thế và ưu tiên trồng tập trung. Hiện, giá trị cam sành Hàm Yên được nâng lên bởi quả cam đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản lượng cam thu hoạch niên vụ 2019 - 2020 ước đạt 100.000 tấn quả/năm, giá trị thu được từ cam đạt trên 800 tỷ đồng. Gần Tết, các siêu thị BigC, Metro, Co.opmart, FiviMax và Lotte; các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn… đều đặt mua cam sành Hàm Yên, người dân không còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Hiện huyện Hàm Yên đang phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, tiến tới tiếp cận thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...  

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục